Ngày Thế giới Không Thuốc lá 2025: "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo"

Không chỉ những người trực tiếp hút thuốc, mà những người xung quanh hít khói thụ động cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ

Mỗi điếu thuốc lá có thể "cướp" đi 20 phút tuổi thọ của bạn

Phát động cuộc thi “Sáng tác bài hát về phòng, chống tác hại của thuốc lá”

Nguy cơ mắc ung thư cao khi hút xì gà

Lời nói dối của ngành công nghiệp thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá vẫn là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất hiện nay với hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó 1,3 triệu người không hút nhưng chết vì hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, con số này vượt 100.000 ca tử vong mỗi năm, gây thiệt hại kinh tế lên đến 108 nghìn tỷ đồng, gấp 5 lần số thu từ thuế thuốc lá.

Ngoài thuốc lá điếu truyền thống, thị trường hiện nay đang chứng kiến sự gia tăng của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm này thường được tiếp thị như “giải pháp thay thế lành mạnh” nhưng thực chất chứa nicotine gây nghiện và các hóa chất độc hại khác, không an toàn cho sức khỏe.

Chủ đề năm nay nhắm trực diện vào thủ đoạn marketing tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá. Từ việc sử dụng người nổi tiếng, tài trợ sự kiện thể thao, đến chiến lược “mỹ hóa” hình ảnh sản phẩm, tất cả đều nhằm đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên, rằng thuốc lá mới “an toàn” hoặc “thời thượng”.

Thực tế, tại nhiều quốc gia, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên đã vượt qua người trưởng thành. Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi 15–24 đã lên tới 7,3%, cho thấy xu hướng đáng lo ngại.

WHO cũng đưa ra hàng loạt bằng chứng về việc các tập đoàn thuốc lá cố tình làm sai lệch thông tin khoa học, tài trợ nghiên cứu thiếu khách quan, và sử dụng hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) như một công cụ tiếp thị trá hình. Các chiến dịch truyền thông nhắm vào học sinh, sinh viên, phụ nữ và trẻ em gái – những nhóm dễ bị tổn thương, đã khiến tình trạng nghiện nicotine trong giới trẻ gia tăng đáng kể. Không ít quốc gia đã phải đối mặt với “dịch thuốc lá điện tử” trong học đường, buộc phải kiện tụng, siết chặt quy định và cảnh báo khẩn cấp. Tại Mỹ, từ năm 2017 đến 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh trung học tăng vọt từ 11,7% lên 27,5%. Tại Hàn Quốc, chỉ sau một năm thuốc lá nung nóng xuất hiện, đã có gần 3% học sinh trung học cơ sở và phổ thông thử sử dụng sản phẩm này.

Cần loại bỏ thuốc lá để bảo vệ chính bản thân và cả những người xung quanh

Cần loại bỏ thuốc lá để bảo vệ chính bản thân và cả những người xung quanh

Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không hề giúp người hút bỏ thuốc lá điếu truyền thống như quảng cáo. Chúng tiếp tục duy trì tình trạng nghiện khiến người dùng phơi nhiễm thêm nhiều hóa chất độc hại khác. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ xác nhận một số sản phẩm có mức độ tiếp xúc thấp hơn với một vài chất, chứ không công nhận bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào là “an toàn” hay “giảm hại”. Đặc biệt với trẻ em và thanh thiếu niên, nicotine có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ, làm tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và rối loạn hành vi. Chính vì vậy, WHO khẳng định: không có sản phẩm thuốc lá nào là vô hại và không có mức độ tiếp xúc nào là an toàn.

WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ chính sách y tế công khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Trong đó, cần đặc biệt thực thi Điều 5.3 của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, không hợp tác và không nhận tài trợ từ bất kỳ công ty thuốc lá nào dưới mọi hình thức. Đồng thời, các nước cần tăng mạnh thuế thuốc lá để giảm sức mua, hướng tới mức thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ; cấm toàn diện quảng cáo, tài trợ, khuyến mại thuốc lá trên mọi nền tảng, kể cả mạng xã hội và các sự kiện văn hóa, thể thao; mở rộng diện tích cảnh báo sức khỏe trên bao bì; đẩy mạnh hỗ trợ cai nghiện trong hệ thống y tế; và đặc biệt, thực thi nghiêm các quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Với thông điệp “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo”, Ngày Thế giới Không Thuốc lá 2025 không chỉ là một lời cảnh tỉnh mà còn là lời kêu gọi hành động thiết thực. Các quốc gia, tổ chức, cộng đồng và cá nhân cần chung tay đẩy lùi những mối nguy hiểm đang âm thầm thao túng thế hệ trẻ.

Đừng để nicotine cướp đi sức khỏe, tương lai và cuộc sống của hàng triệu người chỉ vì những lời hứa “rỗng tuếch” được tô vẽ bởi những tập đoàn đặt lợi nhuận lên trên sinh mạng con người. Tương lai của một thế giới khỏe mạnh bắt đầu từ việc nói không với mọi loại thuốc lá – ngay hôm nay.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin