1/6 đã là Quốc tế Thiếu nhi, thế còn ngày Trẻ em Thế giới 20/11 là ngày gì?
Đảm bảo mọi trẻ sinh non được chăm sóc sức khỏe tốt nhất
Người trẻ có nên uống thuốc chống đột quỵ?
Có nhất thiết phải bổ sung vitamin D3 K2 cho trẻ từ lúc mới sinh?
Ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hóa, nhận diện dấu hiệu sớm
Ngày Trẻ em 20/11 có gì khác?
Có khá nhiều những hiểu nhầm xoay quanh “ngày của thiếu nhi”. Trong khi Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam được khá nhiều người biết đến thì Ngày Trẻ em Thế giới lại không phổ biến như vậy. Cùng hướng về một mục tiêu cao cả là tôn vinh và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, Ngày Trẻ em Thế giới và ngày Quốc tế Thiếu nhi cùng lại mang đến những góc nhìn đa chiều và những hoạt động phong phú, tạo nên một bức tranh đa sắc về tình yêu thương dành cho trẻ em.
Ngày Trẻ em Thế giới được tổ chức vào 20/11 hàng năm. Chính vào ngày này năm 1959, Tuyên bố về Quyền trẻ em đã ra đời, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo vệ quyền lợi của trẻ em toàn cầu. Ngày lễ này không chỉ là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của toàn xã hội đối với tương lai của thế hệ trẻ.
Cũng chính vì thế, nhằm khuyến khích các nước ghi nhớ về trẻ em và bảo vệ quyền lợi trẻ em, Liên Hợp Quốc đã đề xuất tổ chức Ngày Trẻ em Thế giới vào 20/11 hàng năm, và mỗi quốc gia sẽ tổ chức ngày này theo một cách khác nhau.
Lắng nghe tương lai
Năm nay, Ngày Trẻ em Thế giới có chủ đề: “Lắng nghe tương lai”. Chủ đề này có lẽ khá phù hợp với phần lớn phụ huynh Châu Á, bởi trên thực tế, tại khu vực này, một thế hệ cha mẹ mới - cha mẹ gà, đang thay thế cho thế hệ “cha mẹ hổ” không còn phù hợp.
Thuật ngữ “cha mẹ hổ” lần đầu tiên được Giáo sư luật Amy Chua thuộc Đại học Yale (Mỹ) đặt ra trong cuốn sách Bài thánh ca chiến đấu của mẹ hổ (Battle Hymn of the Tiger Mother) ra mắt vào năm 2011. Theo đó, "mẹ hổ" ở đây là những bậc phụ huynh rất nghiêm khắc, chủ yếu muốn con cái tập trung vào việc học, đạt được điểm cao vì cho rằng đó là điều tốt nhất cho tương lai của chúng kể cả khi bản thân đứa trẻ không cảm thấy thoải mái về điều đó. Nhìn chung, “cha mẹ hổ” thường là những người áp đặt kỳ vọng quá lớn lên con cái của mình, làm cho trẻ cảm thấy áp lực dẫn tới stress, trầm cảm.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, hình ảnh “cha mẹ gà” đang dần thay thế "cha mẹ hổ" trong cách nuôi dạy con cái. Các bậc phụ huynh thuộc kiểu nuôi con này giờ đây dồn toàn lực vào việc chăm sóc con, với mong muốn con cái đạt được sự hoàn hảo. Theo trang Quartz, cách nuôi dạy này có phần tương đồng với "helicopter parents" (cha mẹ trực thăng) ở Mỹ, nơi các bậc phụ huynh luôn “lơ lửng như máy bay trực thăng” để kiểm soát và chăm sóc con một cách thái quá, muốn thay con định hướng mọi vấn đề trong cuộc sống.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), việc xây dựng một môi trường mà trẻ cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng là điều vô cùng quan trọng. Là cha mẹ, bạn hoàn toàn có thể tạo ra một không gian như vậy, nơi trẻ được khuyến khích bày tỏ suy nghĩ, ý tưởng của mình chứ không phải là cảm giác bị áp đặt, bị gò bó trong chính ngôi nhà của mình. Đó chính là nền tảng vững chắc để nuôi dưỡng những nhà tư tưởng, những người hành động đầy nhiệt huyết.
Lắng nghe trẻ em không chỉ đơn thuần là việc để tai nghe những gì chúng nói, mà còn là việc mở lòng để hiểu được thế giới quan của chúng. Khi cha mẹ lắng nghe trẻ chính là đang tạo ra một không gian an toàn, nơi trẻ có thể tự do khám phá và phát triển.
Việc lắng nghe không chỉ giúp trẻ xây dựng lòng tự tin, mà còn rèn luyện cho trẻ những kỹ năng sống cần thiết như giao tiếp, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Hãy tưởng tượng, một đứa trẻ khi được lắng nghe và thấu hiểu sẽ cảm thấy mình được tôn trọng và có giá trị. Điều này sẽ thôi thúc trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách say mê và không ngừng đặt ra những câu hỏi. Khi cha mẹ và trẻ cùng nhau tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó thì cũng chính là lúc đang cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.
Để hưởng ứng Ngày Trẻ em Thế giới cũng như hình thành môi trường sống thoải mái giúp trẻ phát huy tối đa khả năng học tập, tư duy, sáng tạo và phát triển, hãy để cho trẻ không gian để thể hiện ý tưởng của mình. Sau đó hãy đặt câu hỏi và lắng nghe giúp trẻ tăng khả năng tư duy phản biện. Không những thế, cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm và lên kế hoạch giúp con theo đuổi ước mơ và tầm nhìn của mình.
Bình luận của bạn