Cấy ghép tim của người hiến mắc COVID-19 có nguy cơ hay không?

Tim của người hiến tặng mắc COVID-19 liệu có thể sử dụng an toàn để cấy ghép?

Viện Huyết học hỗ trợ BV Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên

Hai bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước hợp tác trong lĩnh vực ghép tạng

Đột phá: Lần đầu tiên thay đổi được nhóm máu của thận người khi ghép tạng

Ca ghép tim đầu tiên trên thế giới giữa 2 người mắc HIV

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Montefiore và Trường Y Albert Einstein (New York, Mỹ) phát hiện ra rằng, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân được ghép trái tim từ người nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn khi nhận tim từ người hiến không mắc COVID-19. Nghiên cứu đã được đăng tải trên Tạp chí Hội Tim mạch học Mỹ (Journal of the American College of Cardiology).

Các nghiên cứu giải phẫu trước đó cho thấy, virus SARS-CoV-2 chỉ có thể lây truyền khi ở hệ hô hấp. Tuy nhiên, các protein có liên quan tới virus này còn được tìm thấy ở các bộ phận các trên cơ thể, trong đó có tim. Nhóm nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu tác động khi cấy ghép tim từ người hiến mắc COVID-19, so với người hiến qua đời vì những nguyên nhân khác (đa phần là do chấn thương vùng đầu).

Nghiên cứu phân tích dữ liệu thu thập từ Mạng lưới Ghép tạng Hoa Kỳ về những trường hợp hiến tim dương tính với SARS-CoV-2 từ 5/2020-6/2022. Họ cũng thu thập thông tin về những người hiến từng mắc bệnh trước khi hiến, nhưng đã có thời gian phục hồi trước khi qua đời.

Tổng cộng, nhóm các nhà khoa học tìm được 150 người hiến tim khi đang nhiễm SARS-CoV-2 và 87 người qua đời không lâu sau khi khỏi bệnh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong sau 6 tháng ở bệnh nhân được ghép tim từ người hiến mắc COVID-19 là 13,8%, trong khi con số này chỉ là 4,9% khi nhận tim từ người không mắc COVID-19. Sau 1 năm, tỷ lệ này là 23,2% so với 9,2%. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, khả năng sống sót khi nhận tim từ người đã khỏi COVID-19 không chênh lệch nhiều so với ghép tim từ người chưa từng mắc COVID-19.

Trước đó, một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong 30 ngày sau khi ghép tim cho thấy, tim của người hiến tặng dương tính với COVID-19 có thể sử dụng an toàn như tim của người hiến tặng không mắc COVID-19. Thế nhưng, từ phát hiện mới nhất này, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên xét nghiệm COVID-19 trước khi hiến tim hay bất cứ tạng nào khác trong cơ thể. Đặc biệt, với người đang mắc COVID-19 tại thời điểm hiến tim, cần đánh giá và phân loại nguy cơ dựa trên các yếu tố: Tải lượng virus; Chủng virus; Triệu chứng của người hiến; Số mũi vaccine đã tiêm...

Hiện ở Việt Nam, ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết. Việc cấy ghép tim được áp dụng cho những bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối, khi không có phương pháp nào khác để khắc phục tình trạng suy tim. Ở giai đoạn này, người bệnh khó thở, mệt mỏi và phù nề gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, khiến bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên.

 
Quỳnh Trang (Theo Medical Xpress)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất