Người bị đái tháo đường nên vận động ra sao ?

Người bị tiểu đường nên vận động ra sao ?
Yoga có thể ổn định đường huyết nhờ làm tăng mật độ cơ - Ảnh: Shutterstock


Đi bộ.
Bệnh nhân được khuyên dành từ 30 - 60 phút đi bộ nhanh 3 lần mỗi tuần. Loại hình vận động này được nhìn nhận là một cách tuyệt vời để tăng cường hoạt động thể chất.

Thái cực quyền. Những chuyển động nhẹ nhàng và chậm rãi của môn thể dục này giúp làm thư giãn cơ thể và đầu óc. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những người tập thái cực quyền đã kiểm soát đường huyết tốt hơn, tăng cường sinh lực, năng lượng và cả sức khỏe tinh thần, so với nhóm đối chứng không tập môn này.

Yoga. Kết hợp những cử động nhẹ nhàng giúp bạn tạo lập khả năng linh hoạt, sức bền và sự thăng bằng. Nó rất hữu ích cho những người mắc các bệnh mãn tính, bao gồm tiểu đường. Loại hình vận động này giúp giảm stress và cải thiện chức năng thần kinh, từ đó tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Theo các chuyên gia Mỹ, yoga có thể ổn định đường huyết nhờ làm tăng mật độ cơ.

Khiêu vũ. Không chỉ tốt cho cơ thể mà việc ghi nhớ các bước và trình tự bài nhảy còn giúp tăng cường sức mạnh trí não và cải thiện trí nhớ. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, khiêu vũ giúp tăng cường hoạt động thể chất, giảm cân, cải thiện sự linh hoạt, ổn định đường huyết cũng như giảm căng thẳng. Một người trưởng thành với cân nặng khoảng 70 kg có thể đốt cháy 150 calorie chỉ trong 30 phút khiêu vũ.

Bơi lội. Có thể làm căng và giãn cơ nhưng không tăng áp lực lên các khớp xương nên có tác dụng tốt đối với bệnh nhân tiểu đường. Đối với người bị tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh này, bơi lội giúp kiểm soát lượng cholesterol, đốt cháy calorie và giảm căng thẳng. Để đạt hiệu quả cao nhất, người tập nên bơi ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 10 phút và tăng dần thời gian tập luyện.

An toàn khi tập luyện

Trước khi bắt đầu chương trình tập luyện, hãy gặp bác sĩ tư vấn để biết loại hình vận động phù hợp với sức khỏe của mình. Phải khởi động từ từ, nhất là khi bạn không vận động thể chất trong một thời gian dài.

Kiểm tra đường huyết trước và sau tập cho đến khi bạn biết rõ cơ thể của mình quen với môn thể dục đã chọn như thế nào.

Bất kể bạn bị tiểu đường dạng 1 hoặc dạng 2, hãy đảm bảo đường huyết của bạn thấp hơn 250 mg/dl trước khi tập. Đối với bệnh nhân tiểu đường dạng 1, tập thể dục với đường huyết cao hơn 250 mg/dl dễ bị nhiễm a xít cetone do thiếu insulin trong máu và đe dọa đến tính mạng.

Thực hiện các động tác làm nóng cơ thể trước khi tập và điều hòa thân nhiệt sau khi tập.

Uống nhiều nước trước, trong và sau khi tập để đề phòng mất nước.

Luôn mang theo điện thoại di động khi đi bộ xa nhà.

Tránh tập luyện ở những nơi quá nóng hay quá lạnh. Mang giày và vớ thích hợp để bảo vệ đôi chân.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiết niệu