Người có thói quen vừa học tập vừa nghe nhạc cần lưu ý đến âm lượng và thể loại nhạc phù hợp
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến thính giác thế nào?
Nâng cao nhận thức về sức khỏe thính giác
8 cách phòng ngừa mất thính giác
Ăn uống ảnh hưởng đến thính lực thế nào?
PGS Jillian Hubertz – Khoa học Ngôn ngữ và Thính giác, Đại học Purdue (Australia) trả lời:
Âm nhạc không chỉ giúp nâng cao tinh thần, mà còn có thể giúp ích cho bạn trong khi học tập, hoàn thành các dự án ở trường và làm bài tập về nhà. Nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc giúp tạo động lực và cải thiện khả năng tập trung.
Dù vậy, tác dụng này với mỗi cá nhân là khác nhau, bởi không ít người cần im lặng tuyện đối khi học bài. Não bộ của con người có khả năng làm việc đa nhiệm hạn chế. Thể loại nhạc bạn nghe, tính chất và yêu cầu công việc bạn đang làm cũng ảnh hưởng tới tác dụng của âm nhạc.
Một số thử nghiệm chỉ ra tác động của âm nhạc tới thói quen học tập và làm việc như:
- Nghe nhạc không lời hoặc các bài hát quen thuộc giúp bạn học bài dễ dàng hơn khi nghe nhạc có lời, hoặc các thể loại nhạc lạ. Trong đó, nhạc không lời sẽ không cản trở các bài tập yêu cầu khả năng đọc hiểu, ghi nhớ.
- Nghe nhạc nhẹ, tiết tấu nhanh có tác động tích cực tới việc học bài hơn là những âm thanh to và nhanh, to và chậm. Kể cả nhạc nhẹ nhưng chậm rãi cũng cản trở việc học.
- Nhạc mang âm hưởng vui tươi với nhịp độ cao giúp bạn hoàn thành các công việc liên quan đến chuyển động như tập thể dục, dọn dẹp.
- Với công việc và nhiệm vụ khó (như học thuộc, giải toán hay học kiến thức mới), âm nhạc sẽ có nguy cơ gây phân tâm, tốt hơn hết không nên nghe nhạc.
Nhưng trước khi bạn lựa chọn âm thanh phù hợp để nghe khi học bài, đừng quên yếu tố rất quan trọng là âm lượng. Dù nghe nhạc qua loa hay tai nghe, âm lượng quá to vẫn có thể làm tổn thương thính giác. Âm lượng to có thể làm tổn thương các tế bào lông tai ở tai trong, vốn có nhiệm vụ truyền các thông tin âm thanh đến não.
Những tổn thương ở tai trong có thể xảy ra sau một lần tiếp xúc với tiếng ồn lớn, hoặc do liên tục nghe âm lượng to trong nhiều tháng, nhiều năm. Ước tính cứ 5 thanh thiếu niên (12-19 tuổi) ở Mỹ sẽ có 1 người gặp các vấn đề thính lực liên quan đến tiếng ồn, có thể dẫn đến mất khả năng nghe. Tiếp xúc với tiếng ồn nguy hại có thể khiến tai bị ù đặc, có tiếng chuông reo trong tai, nói chuyện ở khoảng cách 1m cũng khó khăn.
Nhìn chung, âm thanh có cường độ dưới 70 decibel an toàn với thính lực. Một vài âm thanh có thể gây nguy hại với đôi tai gồm: Tiếng máy cắt cỏ (95 decibel), tiếng nhạc ở buổi biểu diễn nhạc rock (120 decibel), tiếng pháo hoa (140 decibel).
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, bạn có thể nghe âm thanh 75 decibel khoảng 40 tiếng/tuần. Âm thanh càng ồn thì càng nên hạn chế tiếp xúc, ví dụ như âm thanh khoảng 89 decibel (tương đương tiếng xe cộ giờ cao điểm) không nên tiếp xúc quá 1,5 tiếng.
Ứng dụng tiến bộ trong khoa học công nghệ hiện nay, bạn có thể sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, đồng hồ thông minh để đo độ ồn của âm thanh quanh mình. Nếu nghe qua loa, ứng dụng này có thể báo hiệu cho bạn biết khi nào tiếng nhạc đang quá to. Còn khi đeo tai nghe, bạn nên giữ âm lượng dưới 60%.
Nếu những người đứng cách bạn 1 cánh tay có thể nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ tai nghe bạn đeo, điều này có nghĩa là bạn đang nghe ở âm lượng quá to.
Bạn có thể mua các dạng tai nghe chất lượng tốt, có tính năng chống ồn để nghe nhạc ở âm lượng an toàn. Khi tới các buổi biểu diễn âm nhạc hoặc ở nơi có tiếng ồn lớn, hãy sử dụng các dạng nút bịt tai để bảo vệ cơ quan thính giác. Hàng ngày, cũng nên giải lao sau thời gian nghe nhạc để hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn liên tục.
Mong rằng những mẹo trên giúp bạn bảo vệ đôi tai để thưởng thức âm nhạc, giải trí trong hàng chục năm tới. Đừng quên chọn thể loại nhạc giúp bạn tập trung khi học tập nhé.
Bình luận của bạn