Liệu có thể phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch?

Triệu chứng giãn tĩnh mạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường

6 lầm tưởng về suy giãn tĩnh mạch bạn cần quên ngay lập tức

Đậu nành lên men có tác dụng gì với bệnh giãn tĩnh mạch?

3 bài tập cải thiện chứng suy giãn tĩnh mạch

8 cách tự nhiên giúp cải thiện suy giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch là gì?

Theo TS. Justin Ha, một chuyên gia về tĩnh mạch tại Trung tâm Tĩnh mạch Metro (Mỹ), giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn nở, uốn khúc và nổi lên trên bề mặt da, thường xuất hiện ở vùng chân. Nhiều người cho rằng giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ nhưng thực tế cho thấy, bệnh lý này còn đi kèm với nhiều triệu chứng khó chịu khác như đau nhức, sưng và cảm giác nặng chân. Nếu không được điều trị kịp thời, giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc loét da. TS. Ha cũng nhấn mạnh, không phải tất cả các trường hợp giãn tĩnh mạch đều dễ nhận thấy bằng mắt thường. Nhiều người bệnh chỉ cảm thấy các triệu chứng như nặng chân, đau nhức hoặc tê bì chân mà không có biểu hiện rõ ràng về tĩnh mạch giãn.

Bên cạnh đó, TS. Nisha Bunke, Giám đốc y khoa tại Trung tâm Tĩnh mạch và Mạch máu La Jolla (Mỹ) bổ sung thêm, bệnh giãn tĩnh mạch còn gây ra các triệu chứng như chuột rút và mệt mỏi về đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ và cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người thường nhầm lẫn giữa giãn tĩnh mạch và mạch máu mạng nhện. TS. Ha giải thích rằng mạch máu mạng nhện có kích thước nhỏ hơn nhiều và thường chỉ gây ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu mạch máu mạng nhện đi kèm với các triệu chứng khó chịu ở chân, đó có thể là dấu hiệu báo động của bệnh giãn tĩnh mạch ở giai đoạn sớm và người bệnh nên đến khám chuyên khoa để được tư vấn.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh giãn tĩnh mạch?

Theo TS. Tikva Jacobs, Bác sĩ phẫu thuật mạch máu và nội mạch tại Weill Cornell Medicine và Bệnh viện NewYork-Presbyterian (Mỹ), căn nguyên chính của chứng giãn tĩnh mạch là sự hoạt động bất thường của các van tĩnh mạch. Điều này dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch, khiến các tĩnh mạch vốn đã mỏng manh giãn nở và phình to. Thông thường, động mạch vận chuyển máu từ tim đến các chi, trong khi tĩnh mạch đảm nhận nhiệm vụ ngược lại, chống lại trọng lực để đưa máu trở về tim. Các van tĩnh mạch đóng vai trò như những cánh cửa một chiều, ngăn máu chảy ngược. Tuy nhiên, theo thời gian, do nhiều yếu tố khác nhau, các van này có thể bị suy yếu hoặc hỏng hóc, gây nên tình trạng trào ngược tĩnh mạch. Khi các van tĩnh mạch không còn hoạt động hiệu quả, máu ứ đọng lại trong tĩnh mạch chân, gây tăng áp lực bên trong. Điều này khiến các tĩnh mạch giãn nở, xoắn lại và hình thành các đường tĩnh mạch nổi lên trên bề mặt da – đó chính là biểu hiện rõ ràng của chứng giãn tĩnh mạch.

Theo các chuyên gia, di truyền là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, nguy cơ bạn mắc phải cũng tăng lên đáng kể. Phụ nữ cũng dễ mắc bệnh hơn do những thay đổi nội tiết tố liên quan đến kinh nguyệt, mang thai, và mãn kinh. Đặc biệt, trong thai kỳ, lượng máu trong cơ thể tăng lên, cùng với áp lực từ tử cung đang phát triển, khiến các tĩnh mạch bị căng giãn. Ngoài ra, tuổi tác, công việc đòi hỏi đứng hoặc ngồi lâu, thừa cân, béo phì, hút thuốc, và các chấn thương ở chân cũng là những yếu tố nguy cơ đáng kể. Tuổi tác làm giảm tính đàn hồi tự nhiên của tĩnh mạch, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn.

TS. Sheila Blumberg, một chuyên gia về mạch tại bệnh viện NYU Langone – Brooklyn (Mỹ) cũng nhấn mạnh, giãn tĩnh mạch không phải do cục máu đông gây ra, mặc dù cả hai tình trạng này có thể cùng tồn tại ở một số người và quan trọng, giãn tĩnh mạch không đe dọa đến tính mạng. Một quan niệm sai lầm khác là việc bắt chéo chân có thể gây ra giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng hành động này không phải là nguyên nhân gây bệnh, nhưng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mắc bệnh.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch?

Tiến sĩ Ha khẳng định, mặc dù không thể thay đổi yếu tố di truyền hay ngăn chặn quá trình lão hóa, những bạn vẫn hoàn toàn có khả năng duy trì sức khỏe tĩnh mạch. Bí quyết nằm ở việc quản lý lưu thông máu hiệu quả.Một trong những yếu tố then chốt để làm chậm sự tiến triển của bệnh giãn tĩnh mạch chính là duy trì một lối sống lành mạnh và năng động. Các hoạt động như đi bộ, bơi lội và yoga được khuyến khích bởi chúng góp phần thúc đẩy tuần hoàn máu. Đặc biệt, đối với những người thường xuyên làm việc văn phòng hoặc đứng lâu, việc thay đổi tư thế thường xuyên và nâng cao chân khi nghỉ ngơi sẽ giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, bỏ thuốc lá và duy trì cân nặng hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng. Đối với những người phải đứng lâu, nên sử dụng vớ y khoa bởi đây một giải pháp hữu hiệu để cải thiện lưu thông máu và giảm tình trạng phù nề. Mặc dù các mạch máu nhỏ khó có thể ngăn ngừa hoàn toàn, nhưng duy trì một hệ thống tuần hoàn khỏe mạnh vẫn là yếu tố quyết định.

Hiện nay, các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch đang ngày càng hiện đại hoá và cá nhân hoá dựa trên nhiều yếu tố bao gồm kích thước, vị trí và độ nông/sâu. Đối với các tĩnh mạch mạng nhện, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp xơ hóa. Dung dịch xơ hóa sẽ làm xẹp các tĩnh mạch nhỏ, giúp máu lưu thông hiệu quả hơn. Đối với các tĩnh mạch lớn hơn, phẫu thuật cắt tĩnh mạch hoặc liệu pháp laser bề mặt có thể được chỉ định. Trong một số trường hợp, việc loại bỏ tĩnh mạch trục bằng phương pháp nhiệt tần số cao cũng được thực hiện.TS. Jacobs nhấn mạnh, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp còn phụ thuộc vào từng bệnh nhân và tình trạng bệnh cụ thể. Nhờ sự kết hợp của các kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm của các bác sĩ, việc điều trị giãn tĩnh mạch đã mang lại hiệu quả cao và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

 
Hà Chi (Theo HuffPost)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp