Nhiều trẻ mắc bệnh “đặc trưng” của mùa du lịch

Bệnh nhi chờ khám chiều 3/5 tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: H.Hải)

Trẻ dễ mắc bệnh do không được tiêm chủng đúng lịch

Giao mùa, trẻ mắc bệnh gì?

Trẻ tự kỷ vì không được bú mẹ?

50 % bệnh hiếm xuất hiện ở trẻ em

Trong ngày trực 3/5, các bác sỹ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã phải đảm nhiệm việc khám cho 130 - 140 trẻ (giảm khoảng 50% so với ngày thường), với khoảng 10 - 15 ca phải nhập viện. Cùng với khám bệnh, kíp trực cũng phải đảm nhiệm việc điều trị cho khoảng 150 trẻ đang điều trị nội trú trong khoa.

“Các bệnh nhi đến khám chủ yếu vẫn là các mặt bệnh thông thường như viêm phổi, viêm đường hô hấp, sốt, viêm phế quản phổi và đặc biệt là ghi nhận các ca bệnh “đặc trưng” của mùa du lịch như: Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa do thức ăn; Dị ứng, viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt. Có bệnh nhi 2 tuổi tôi vừa khám buổi sáng, sau một chiều ngâm trong nước hồ bơi ngoài trời đến 2 tiếng, tối bé hâm hấp sốt, ho gia đình phải cấp tốc kết thúc kì nghỉ trở về Hà Nội ngay trong đêm, sáng sớm đưa vào viện khám bé bị viêm phổi. Có bệnh nhi thì mẩn đỏ hết người do côn trùng đốt”, BS. Lê Sỹ Hùng, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, dù ngày nghỉ lễ nhưng số trẻ đến khám vẫn xấp xỉ ngày thường, với khoảng 1.200 - 1.500  bệnh nhân mỗi ngày. Trong đó chủ yếu là trẻ mắc bệnh tiêu chảy, sốt cao, co giật và các bệnh hô hấp, nhiều trường hợp được chỉ định nhập viện, truyền nước. 

BS. Hùng khám cho một bệnh nhi bị đau bụng (Ảnh: H.Hải)

Các bác sỹ lưu ý, trẻ đi chơi xa, thay đổi về môi trường, thức ăn hoặc thời tiết nắng nóng, không thuận lợi khiến cơ thể mệt mỏi dễ ốm, sốt, viêm mũi họng, bội nhiễm viêm phế quản, phổi. Đặc biệt là nguy cơ rối loạn tiêu hóa vì thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, do bận rộn nên không để ý kỹ việc bảo quản đồ ăn cho trẻ. Có trường hợp bệnh nhi về quê chơi, bà pha sữa nhưng bé mải chơi không chịu ăn nên để nguyên cốc sữa lên bàn. Đến khi bé đói, chẳng kịp nhìn đồng hồ xem sữa đã pha lâu chưa, vội cho bé uống sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.

“Khi hỏi kỹ, thì cốc sữa tưởng là “vừa mới pha” đã để trong môi trường ngoài trời nắng nóng đến 2 tiếng đồng hồ. Điều này là không nên bởi sữa rất dễ bị ô nhiễm khi để trong môi trường tự nhiên và khi uống trẻ dễ bị đau bụng”, một bác sỹ trực cho biết.

Theo BS. Vũ Hữu Thời (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nhận thức của người dân về tình trạng sức khỏe của trẻ ngày càng tăng lên nên phần lớn các trường hợp đến khám đều kịp thời, không ghi nhận nhiều ca nặng do trì hoãn khám. Nhiều trường hợp khi trở về Hà Nội đã cho con vào viện khám lại sau khi được khám, điều trị ở tuyến cơ sở. Tuy nhiên cũng có một số ca nặng do trì hoãn khám.

Ngoài các trường hợp viêm phổi, sốt cao phải nhập viện các trường hợp rối loạn tiêu hóa, dị ứng do côn trùng đốt đều được các bác sỹ hướng dẫn dùng oresol, thuốc bôi dị ứng theo dõi tại nhà.

Các bác sỹ cũng lưu ý, thời điểm mùa hè đã đến, bố mẹ phải rất chú ý khâu vệ sinh ăn uống cho trẻ để phòng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Thức ăn cho trẻ khi chế biến xong nên ăn ngay, không để lâu ở môi trường ngoài trời. Nếu muốn bảo quản cần đóng hộp để ngăn mát tủ lạnh và khi cho trẻ ăn thì phải nấu chín kỹ lại. Chỉ một sự bất cẩn không chú ý trẻ có thể ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm với trẻ em.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ