Phòng bệnh hay "ghé thăm" trẻ dịp Tết

Cảm, cúm là một trong những bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ.

Bệnh hen suyễn có thể phòng được không?

Phòng ngừa dị ứng thực phẩm ở trẻ

Bệnh tay chân miệng lại "đe dọa" người Hà Nội

Ngộ độc thực phẩm lạ: Có khuyến cáo vẫn chết vì chủ quan

Các bệnh về đường hô hấp

Cảm cúm là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh hay gặp nhất vào mùa đông, lây truyền nhanh trong dịp Tết vì mật độ người đông, nhất là những nơi vui chơi công cộng. Tác nhân gây bệnh cảm, cúm là các siêu vi trùng cúm với rất nhiều chủng loại khác nhau. Để phòng ngừa bệnh này, cha mẹ cần đảm bảo giữ ấm, chú ý giữ vệ sinh cho trẻ. Không để trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm. 

Không khí lạnh dịp Tết cũng làm cho tình trạng hen suyễn nặng hơn. Để phòng những cơn hen bất thường, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ. Hạn chế những yếu tố gây khởi phát cơn hen suyễn như các hóa chất gây mùi trong nhà, khói bụi...

Các bệnh về đường tiêu hóa

Ăn quá nhiều thức ăn ngon "nhưng không lành" trong ngày Tết là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tiêu chảy, táo bón. Để phòng tiêu chảy và táo bón cho trẻ cha mẹ cần chú ý kiểm soát thức ăn trẻ ăn vào, hạn chế thực phẩm rán nhiều dầu mỡ, tránh ăn thức ăn để qua đêm.

Ngộ độc thực phẩm là bệnh phổ biến trong dịp lễ, Tết ở trẻ

Ngộ độc thực phẩm cũng một trong những bệnh khá phổ biến trong dịp Tết. Tết đến, các gia đình thường có xu hướng mua nhiều loại thực phẩm trong nhà cho những buổi sum họp gia đình. Những thực phẩm đó có thể không được bảo quản tốt dẫn đến bị nhiễm khuẩn, chứa nhiều độc tố. Quá trình nấu, chế biến không đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Bệnh dị ứng

Dịp Tết, trẻ thường được bố mẹ cho ăn rất nhiều các món ăn khác nhau. Vì vậy một số trẻ có thể bị dị ứng thức ăn. Các triệu chứng của dị ứng thức ăn như: Nổi mề đay, đau bụng, khó thở, lên cơn hen... Khi thấy trẻ có biểu hiện dị ứng, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ, tránh trường hợp trẻ bị dị ứng nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.  

Tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh dễ lây khi trẻ đến nơi công cộng, nhất là những khu vui chơi trong ngày Tết. Bệnh có thể lây qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn. Cha mẹ cần nhận biết những triệu chứng sớm của bệnh là trẻ sốt cao (38 - 39 độ C), chán ăn, ho, viêm họng, đau bụng. Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sỹ  ngay khi trẻ có các triệu chứng trên. Để phòng ngừa bệnh này, cha mẹ nên rửa tay cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn. Khi đi bên ngoài, cần đảm bảo cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng để tăng sức để kháng, tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

Bệnh tay chân miệng là bệnh dễ lây lan khi trẻ đến các khu vui chơi trong ngày Tết

Tai nạn

Ngoài những bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về hô hấp... trong ngày Tết trẻ còn dễ gặp một số tai nạn như: Bỏng điện, bỏng nước, chấn thương sọ não... Nguyên nhân là do trẻ chơi đùa trong lúc người lớn đang bận mải dọn dẹp nhà, nấu ăn, tiếp khách. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị tai nạn trong ăn uống bởi người lớn dùng dụng cụ sắc nhọn trong chế biến thức ăn, có thể chỉ là một đầu tăm nhỏ được cài để giữ bông hoa trang trí trên đĩa bánh... Khi nuốt phải những vật sắc nhọn này, trẻ có thể hóc, nguy hiểm hơn, những vật nhọn chui xuống ruột có thể đâm thủng ruột, dạ dày. 

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Cha mẹ không can thiệp lấy dị vật ra vì có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột.

Gia Hân H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ