Những lầm tưởng thường gặp về hệ tiêu hóa (Phần 2)

Ăn thực phẩm giàu probiotics có "chữa" các bệnh về đường ruột không?

6 thói quen cần tránh khi mắc hội chứng ruột kích thích

Bí quyết ngăn ngừa các vấn đề về tiêu hóa trong mùa Hè

Đau bụng báo hiệu những bệnh lý không nên xem thường

7 thực phẩm giàu tinh bột kháng tiêu hóa giúp giảm cân hiệu quả

Healthplus tiếp tục gửi tới bạn đọc một vài sự thật thú vị về hệ tiêu hóa được chia sẻ bởi 2 bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa Fola May và Austin Chiang trên chuyên trang Insider. Theo dõi phần 1 tại đây.

Lầm tưởng 6: Chỉ được bơi sau khi ăn ít nhất 30 phút

Đây là lời khuyên mà không ít phụ huynh nhắc nhở con trẻ mỗi khi đi bơi, đi du lịch. Họ cho rằng, sau khi ăn, máu sẽ dồn tới hệ tiêu hóa và ít lưu thông tới tứ chi. Khi đó, bạn sẽ không có đủ oxy và máu để đập chân, quạt tay khi bơi – dẫn đến nguy cơ chuột rút, đuối nước.

Trong thực tế, cơ thể có đủ máu để chuyển lượng máu cần thiết đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ tiêu hóa và tay chân của bạn. Tại Mỹ, Viện Hàn lâm Nhi khoa và Hội Chữ thập đỏ không hề khuyến cáo người dân tránh đi bơi sau khi ăn. Trái lại, các tổ chức trên cảnh báo, nguy cơ đuối nước cao hơn nếu bạn đi bơi sau khi uống rượu bia.

Dù không phải bận tâm đến nguy cơ trên, một vài đối tượng (trẻ nhỏ, người mới học bơi) có thể gặp tình trạng co thắt dạ dày, trào ngược hoặc nôn ói nếu đi bơi ngay sau khi ăn quá no. 

Lầm tưởng 7: Thực phẩm giàu probiotics có thể chữa các bệnh đường ruột

Thực phẩm giàu probiotics có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, không thể chữa bệnh

Hệ vi sinh vật trong đường ruột rất phong phú và có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của chúng ta. Để đảm bảo việc tiêu hóa diễn ra hiệu quả, bạn cần một số lợi khuẩn nhất định. Đây là lý do chúng ta được khuyên bổ sung probiotics vào chế độ dinh dưỡng thông qua sữa chua, thực phẩm lên men, thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khoa học khá mới mẻ và việc ứng dụng thực phẩm giàu probiotics cho từng bệnh lý vẫn cần được nghiên cứu thêm. Bác sỹ Chiang khẳng định, thực phẩm giàu probiotics như trà lên men kombucha không phải "thần dược" chữa các bệnh về hệ tiêu hóa.

Lầm tưởng 8: Nếu bạn bị ngộ độc, nguyên nhân nằm ở thực phẩm bạn vừa ăn

Theo bác sỹ May, cơ thể mất vài giờ để tiêu hóa mỗi bữa ăn. Do đó, nếu bạn không may bị ngộ độc thực phẩm vào buổi sáng, nguyên nhân có thể nằm ở bữa tối hôm trước (chứ không phải bữa sáng bạn vừa ăn).

Thực phẩm gây ngộ độc có thể do nhiễm vi sinh vật, nhiễm hóa chất hoặc bản thân thực phẩm chứa chất độc. Do đó, việc xác định tác nhân gây ngộ độc thực phẩm rất phức tạp và nên được thực hiện bởi các bác sỹ, cơ sở y tế uy tín. Nếu gặp các triệu chứng nhẹ như tiêu chảy, đau bụng, bạn nên nghỉ ngơi, uống đủ nước. Tránh ăn, uống các sản phẩm chứa đường lactose như sữa, kem, đồ ngọt, bởi tại thời điểm này, cơ thể bạn chưa đủ khỏe để tiêu hóa lactose.

Lầm tưởng 9: Phụ nữ không cần nội soi đại tràng định kỳ

Nội soi đại tràng định kỳ giúp phát hiện sớm các polyp

Nhiều người cho rằng bệnh ung thư đại tràng (trực tràng) chỉ xuất hiện ở nam giới. Trong khi đó, tất cả chúng ta đều có nguy cơ xuất hiện polyp ở trực tràng và polyp có thể tiến triển thành ung thư.

Theo bác sỹ May, ung thư đại tràng là dạng ung thư phổ biến ở phụ nữ và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù gia đình không có tiền sử ung thư, cả nam và nữ giới đều nên bắt đầu nội soi đại tràng định kỳ để tầm soát polyp, ung thư sau tuổi 45.

Lầm tưởng 10: Đầy hơi là do hội chứng ruột kích thích

Hiện tượng đầy hơi có thể xảy ra khi ăn quá nhiều chất xơ

Đầy hơi, chướng bụng là tình trạng thường gặp trong cuộc sống và thường liên quan đến thực phẩm mà chúng ta ăn. Chất xơ – chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết cho cơ thể - có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi. Người không dung nạp lactose cũng thường bị đầy hơi khi ăn nhầm chế phẩm từ sữa.

Người bệnh được chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS) khi gặp phải nhiều triệu chứng rối loạn chức năng nhưng không có tổn thương thực thể. Các biểu hiện thường gặp bao gồm: Đau bụng, đại tiện lỏng xen kẽ táo bón, đầy hơi, chướng bụng… Tuy nhiên, bạn cần được thăm khám tại cơ sở chuyên khoa tiêu hóa để xác định chính xác nguyên nhân gây chướng bụng.

Quỳnh Trang H+ (Theo Insider)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa