5 loại thực phẩm và đồ uống người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh

Người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh uống cà phê

Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân và triệu chứng điển hình

Các loại trà nên uống khi bị hội chứng ruột kích thích

Probiotics cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Người bị hội chứng ruột kích thích nên kiêng gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một chứng rối loạn mạn tính ảnh hưởng đến đại tràng, đặc trưng bởi đau bụng hoặc khó chịu ở bụng và co thắt ruột. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bao gồm: Đầy hơi, co thắt ruột, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Trong những trường hợp nặng, hội chứng ruột kích thích có thể gây suy nhược cơ thể. 

Thực phẩm có ảnh hưởng lớn đến hội chứng ruột kích thích. Hơn 60% người bệnh báo cáo các triệu chứng hội chứng ruột kích thích bùng phát hoặc trầm trọng hơn sau bữa ăn. Các triệu chứng xảy ra trong vòng 15 phút ở 28% bệnh nhân, trong vòng 3 tiếng ở 93% bệnh nhân. 84% bệnh nhân báo cáo các triệu chứng liên quan đến ít nhất 1 món ăn. 

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng về hội chứng ruột kích thích Anh Quốc, những người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh những thực phẩm như dưới đây: 

1. Thực phẩm FODMAP cao 

FODMAP viết tắt của fermentable oligosaccharides, disaccharides, monosaccharides and polyols. Đây là các loại carbohydrate và đường khó tiêu hóa hoặc khó hấp thu tốt trong ruột. 

Thực phẩm FODMAP cao gồm: Tỏi, hành tây, lúa mì, sữa, kem, nấm, mơ, các loại đậu... Chế độ ăn ít FODMAP đã được chứng minh là có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. 

Những thực phẩm FODMAP cao làm trầm trọng thêm triệu chứng hội chứng ruột kích thích

2. Rượu

Các nghiên cứu cho thấy, rượu có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của đường tiêu hóa (các triệu chứng hội chứng ruột kích thích được cho là nguyên nhân do nhu động ruột bất thường) và là một chất kích thích đường ruột. 

Một số đồ uống có cồn cũng có hàm lượng FODMAP cao - đặc biệt là rượu rum, rượu ngọt và cocktail trái cây. Bạn nên giới hạn lượng rượu mỗi ngày không quá 20ml, duy trì ít nhất 2 ngày không uống rượu trong 1 tuần.

3. Thực phẩm giàu chất béo 

So với những người khác, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc hội chứng ruột kích thích có đường ruột nhạy cảm hơn sau khi ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo. Thực phẩm chứa nhiều chất béo được cho là làm thay đổi nhu động ruột, có tác dụng giải phóng hormone ảnh hưởng đến nhu động ruột. 

Các thực phẩm giàu chất béo bao gồm: Thịt chiên, khoai tây chiên, xúc xích, pizza, nước sốt kem... Tuy vậy, bạn không nên cắt giảm hoàn toàn chất béo. Những chất béo có trong dầu olive, các loại hạt, dầu cá... vẫn rất tốt cho sức khỏe của bạn. 

4. Caffeine

Nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích xấu đi sau khi tiêu thụ caffeine. Caffeine có thể làm tăng nhu động ruột và cũng có thể làm tăng các hormone căng thẳng như cortisol có thể gây kích hoạt trục gút-não (gut-brain). Trục này là tín hiệu sinh hóa diễn ra giữa hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. 

Hãy nhớ rằng caffeine không chỉ được tìm thấy trong cà phê, trà mà còn có trong nhiều loại đồ uống giải khát và thức uống năng lượng. 

5. Thực phẩm cay

Capsaicin có trong ớt đã được chứng minh là làm tăng nhu động ruột và đau bụng ở một số người. Các thực phẩm cay như tỏi và hành tây cũng có thể làm tăng thêm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. 

Tuy vậy, những thực phẩm này có tác động đến mỗi người là khác nhau. Bởi vậy, tốt nhất là nếu bị mắc hội chứng ruột kích thích, bạn nên ghi lại những triệu chứng của bệnh sau khi đã ăn một hoặc những thực phẩm nào đó, để hạn chế hoặc tránh (nếu có thể).

Vân Anh H+ (Theo netdoctor)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng