Đến Vinh ăn gì?

Thành phố Vinh với nhiều món ăn ngon

Thực đơn 7 mâm cơm tối với những món ăn bổ dưỡng

Điều gì xảy ra khi bạn uống trà gừng quế mỗi ngày?

Lạ lùng món cháo... ăn bằng đũa

Những món "cháo an thần" bổ và ngon cho người già

Súp lươn

Súp lươn là món ăn phổ biến nhất tại Thành phố Vinh

Súp lươn là món ăn phổ biến nhất tại Thành phố Vinh

Dạo khắp thành Vinh, súp lươn có lẽ là món ăn phổ biến nhất. Đơn giản thôi, dù ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay thậm chí bên trời Tây đều có những quán lươn xứ Nghệ, nhưng khi bạn ăn ở Vinh mới thẩm thấu hết cái ngon, cái ngọt của lươn.

Nếu mạn Cửa Nam lươn sẽ cay hơn dù đã gọi bát ít cay. Mạn Quán Bàu, Quán Bánh nước dùng sẽ trong hơn, đậm vị lươn hơn. Song, các quán lươn Vinh luôn có một sự đồng điệu trong hương vị. 

Lươn sau khi được làm sạch bỏ xương sống, bỏ ruột mới tẩm ướp gia vị mắm, muối, mì chính...Để lươn có màu đẹp mắt, có hàng sẽ ướp thịt lươn bằng nghệ tươi dã mịn lấy nước, có hàng lại đậm màu điều trông thật bắt mắt. Lươn sau khi ướp sẽ phải được xào qua cùng củ nén để tạo vị thơm, bớt đi vị tanh. Múc lươn ra bát, sau đó mới thêm nước dùng vào và thưởng thức. Nước dùng được ninh bằng xương ống heo pha lẫn nước cốt xương sống lươn tạo nên vị ngọt, thơm rất riêng. Các loại rau bỏ vào bát súp bên cạnh hành lá, ngò gai còn là hành tím thái mỏng, rau răm để kích thích tiêu hoá, đề phòng trướng bụng, đầy hơi...

Người xa đến Vinh thường chỉ ăn cháo lươn nhưng người bản địa thì súp lươn mới quen thuộc. Thực khách ăn súp lươn sẽ kèm theo bánh mướt, bánh đa, bánh mì...Đó là những món ăn kèm rất hợp với lươn, vừa đỡ ngán, vừa no bụng. Và dĩ nhiên, phải thêm bát nước chè xứ Nghệ nữa mới đủ tròn hương vị. Mỗi suất suất súp lươn có giá từ 40.000 - 60.000 đồng.

Nhiều quán còn bán đủ nguyên liệu để thực khách về chế biến

Nhiều quán còn bán đủ nguyên liệu để thực khách về chế biến

Địa chỉ gợi ý:

- Quán súp lươn Nghệ An - Phượng Hoàng ở 148-98 Phượng Hoàng, thành phố Vinh

- Lươn cay Cổng Thành ở số 68 Lý Thường Kiệt, thành Phố Vinh

- Quán lươn Bà Ngọ ở ngõ 04 Đốc Thiết, Hưng Bình, thành phố Vinh

Bún chả Vinh

Bún cùng thịt nướng và nước chấm (chẻo) đặc trưng

Bún cùng thịt nướng và nước chấm (chẻo) đặc trưng

Nếu như thịt chả nướng Hà Nội thường có vị khá thanh, chả nướng Huế đậm đà nhờ ướp cùng mắm ruốc, mắm tôm… thì chả nướng Vinh lại hơi thiên vị ngọt một chút. Những miếng thịt sau khi tẩm ướp cùng gia vị sẽ được mang đi nướng trên than hồng. Thịt khi chín thường mềm thơm, không bị khô mà vẫn giữ được một lớp sốt đậm đà và bắt mắt.

Đặc biệt, bún chả Vinh có phần nước chấm hoàn toàn khác biệt. Linh hồn của món ăn này chính là “chẻo lạc”, một loại nước chấm làm từ thịt băm, nước hầm xương heo, mật mía, lạc rang và nhiều nguyên liệu khác như sả, tỏi, ớt, dầu điều…

Đầu tiên, hành, tỏi, sả được phi thơm và cho thịt băm vào xào chín. Lạc sẽ được rang chín, làm sạch vỏ rồi cho vào cối xay nhuyễn cùng thịt vừa được xào. Tiếp đó, để món ăn thêm hấp dẫn, người ta sẽ cho mật mía, nước dùng, một ít dầu điều vào đun trong lửa nhỏ, có thể cho thêm một ít nước dùng và khuấy đều cho đến hỗn hợp vừa xay sánh mịn. Tuỳ vào sở thích và khẩu vị mà bạn có thể thêm vào một chút muối hay nước mắm để chẻo lạc trọn vị hơn.

Món chẻo lạc sau khi chế biến xong sẽ có màu sắc và mùi vị vô cùng hấp dẫn. Khi ăn, bạn có thể cảm nhận được được vị bùi bùi từ lạc rang, vị béo của nước hầm xương và chút cay nồng từ sả ớt. Nhờ vào hương vị hài hoà với đủ các vị mặn – ngọt – cay – béo mà chẻo lạc không gây ngán khi ăn. Bên cạnh món bún chả, người ta còn chấm chẻo lạc cùng khế xanh, rau luộc, chuối xanh…

Món bún chả Vinh thường được ăn kèm rau sống và đu đủ ngâm. Khi ăn món này, bạn có thể chấm bún, thịt nướng, rau sống và đu đủ trong chẻo lạc rồi từ từ thưởng thức. Ngoài ra, nhiều người cũng thích cho bún, rau sống, thịt nướng và đu đủ ngâm vào bát, sau đó rưới trực tiếp chẻo lạc vào bát. Món bún chả Vinh thường được bán nhiều vào buổi sáng và xế chiều. Mỗi suất bún chả có giá từ 40.000 đồng.

Cách ăn phổ biến là cuốn bún cùng chả nướng và rau

Cách ăn phổ biến là cuốn bún cùng chả nướng và rau

Địa chỉ gợi ý:

- Quán Bà Hạnh ở 38 Hồ Xuân Hương, thành phố Vinh

- Quán Vân Trung ở B6 Quang Trung, thành phố Vinh

- Yến bún chả ở 117 Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh

Xôi trứng

Xôi Vinh được nấu từ nếp Lào nên rất dẻo và thơm

Xôi Vinh được nấu từ nếp Lào nên rất dẻo và thơm

Xôi Vinh có nét rất riêng để níu chân thực khách. Nếu xôi ở các nơi khác thường được làm từ nếp cái hoa vàng thì ở đây, xôi được nấu từ nếp Lào. Xôi Vinh luôn mềm, dẻo, để cả ngày vẫn không bị cứng. Khi đồ xôi, một số người vẫn giữ nếp cũ, nấu xôi trong những chiếc bổng Đô Lương (một dạng nồi đất đặc trưng của xứ Nghệ) và lót lá chuối. Khi ăn, xôi vừa thơm mùi lá chuối mà không bị bí, nhão nhoẹt bên dưới, hạt xôi vẫn tơi và nguyên.

Điều đặc biệt còn ở phần "topping" đi kèm. Xôi Vinh phải được ăn kèm trứng tráng cuộn, có thể thêm giò hoặc chả cuốn. Người bán sẽ cuộn trứng thành từng miếng dài từ 25-30cm, rồi rim nhỏ lửa trên chảo dầu liên tục. Khi khách gọi món mới lấy dao cắt ra thành từng khúc nhỏ ngay trên chảo. Trứng có vỏ ngoài vàng giòn mà bên trong vẫn mềm mịn. 

Có một điểm khác nữa, người Vinh hay chấm xôi cùng muối vừng lạc, có thể rưới thêm một chút dầu ăn/mỡ vào chấm cùng. Một món ăn khá nhiều dầu mỡ nhưng nếu ai hợp vị, sẽ "nghiện" luôn lúc nào không hay. 

Các quán xôi ở Vinh chỉ mở bán vào đầu giờ sáng hoặc từ đêm tới rạng sáng. Mỗi suất xôi có giá từ 25.000 đồng.

Địa chỉ gợi ý:

- Quán xôi Yến Thịnh ở phường Lê Lợi, thành phố Vinh (cổng ga Vinh)

- Quán xôi Bưu Điện ở số 1 Hồ Tùng Mậu, Hưng Bình, thành phố Vinh

- Quán Xôi Vinh, 128 Lê Hồng Phong, Trường Thi, thành phố Vinh

Bánh mì kẹp bánh bột lọc

Bánh mì kẹp bột lọc không chỉ nổi tiếng ở Vinh mà còn là món ăn quen thuộc ở một số tỉnh như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình

Bánh mì kẹp bột lọc không chỉ nổi tiếng ở Vinh mà còn là món ăn quen thuộc ở một số tỉnh như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình

Bánh mì Việt có hàng tá phiên bản, từ bánh mì thịt chả, bánh mì pate, bánh mì thịt nướng, bánh mì cá mòi, bánh mì phá lấu, bánh mì chả cá,... Riêng ở Vinh, lại có món bánh mì kẹp bánh bột lọc rất đặc biệt.

Bánh bột lọc - người Nghệ An, Hà Tĩnh hay gọi là bánh bèo

Bánh bột lọc - người Nghệ An, Hà Tĩnh hay gọi là bánh bèo

Vẫn là bánh bột lọc Nghệ An (hay còn gọi là bánh bèo) quen thuộc ăn chung với nước mắm ngọt, gồm có nhân tôm, thịt...nay lại được kẹp trong chiếc bánh mì nhỏ nhưng đặc ruột. Để bánh mì luôn được nóng, giòn người ta luôn hơ bánh trên một chiếc bếp than nhỏ, để lừa vừa phải để bánh không bị cháy. Bên trong lớp vỏ giòn tan ấy những chiếc bánh bột lọc dai dẻo, rưới thêm một ít nước mắm đường pha loãng, cắt thêm miếng chả bò, cho hành lá và ngò ta. Mỗi chiếc bánh có giá chỉ 10.000 đồng.

Địa chỉ gợi ý:

- Quán chị Hiền ở 61 Cao Xuân Huy, thành phố Vinh

- Bánh bèo Nhàn Huế ở 26 Trần Huy Liệu (kéo dài), Trường Thi, thành phố Vinh

- Các quán ăn dọc chợ Vinh 

Bên cạnh các món kể trên, thực khách khi ghé thăm Vinh có thể khám phá thêm món nem thính chợ Vinh, lẩu khế, ốc xào, bánh mướt, cháo canh...

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ