Đừng trì hoãn điều trị ung thư tử cung vì…lớn tuổi!

Ung thư nội mạc tử cung thuộc loại ung thư tử cung - Ảnh minh họa

Podcast: Thời điểm uống nước trong ngày cũng ảnh hưởng tới tim, thận

Cách bổ sung caffeine để cải thiện hiệu suất tập luyện

Chế độ ăn uống cho người bệnh suy tim bạn cần lưu ý

Thèm ăn chocolate: Cơ thể nói gì?

Ung thư tử cung là gì?

Ung thư tử cung là bệnh ác tính, bắt nguồn từ lớp niêm mạc bên trong tử cung (nội mạc tử cung) tăng sinh bất thường. Bệnh thường liên quan đến biến đổi nội tiết tố, đặc biệt là estrogen.

Ung thư tử cung được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn I là giai đoạn sớm nhất, khi tế bào ung thư còn khu trú trong thân tử cung. Giai đoạn II, ung thư đã lan đến cổ tử cung nhưng chưa ra khỏi tử cung. Giai đoạn III, tế bào ác tính lan ra ngoài tử cung nhưng chưa đến trực tràng hoặc bàng quang. Giai đoạn IV là khi ung thư đã di căn, đến các cơ quan vùng chậu hoặc xâm lấn các cơ quan nội tạng như gan, phổi.

Có 2 loại ung thư ở tử cung, trong đó phổ biến nhất là ung thư nội mạc tử cung, chiếm khoảng 95% các trường hợp. Loại thứ 2 là ung thư cơ tử cung, tuy hiếm gặp hơn nhưng loại này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh

Ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Ung thư nội mạc tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ từ 55 đến 65 tuổi, với tuổi trung bình khi chẩn đoán là 64. Trong các nghiên cứu dịch tễ học, phụ nữ lớn tuổi hơn (trên 65 tuổi) ít gặp hơn, nhưng thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vẫn có nhiều ca được phát hiện ở tuổi 70-80. Không ít trường hợp trì hoãn điều trị vì quan niệm “thời gian sống không còn nhiều”, hoặc lo ngại biến chứng phẫu thuật do mắc kèm bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…

Thực tế, nếu được phát hiện sớm và người bệnh có thể kiểm soát tốt các bệnh nền, việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật và không cần hóa, xạ trị. Tuy nhiên, việc trì hoãn có thể khiến bệnh tiến triển, lan rộng và trở nên khó kiểm soát hơn.

Dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý

Ung thư nội mạc tử cung trên mẫu sinh thiết dưới kính hiển vi - Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Ung thư nội mạc tử cung trên mẫu sinh thiết dưới kính hiển vi - Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Ung thư tử cung có thể biểu hiện qua các dấu hiệu: chảy máu âm đạo sau mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường, đau vùng chậu, đau khi quan hệ, tiểu khó. Những biểu hiện này dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với triệu chứng khác, dẫn đến trì hoãn khám và điều trị.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung bao gồm: thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường, có kinh nguyệt quá sớm hoặc quá muộn, tiền sử mắc ung thư vú, di truyền...

Hiện chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu ung thư tử cung. Tuy nhiên, phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt đã mãn kinh, nên đi khám phụ khoa định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, kiểm soát cân nặng, huyết áp, đường huyết cũng góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.

Các bác sĩ khuyến nghị, khi trong gia đình có người thân lớn tuổi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ hoặc được chẩn đoán mắc ung thư phụ khoa, người nhà nên động viên, khích lệ đi khám và điều trị sớm. 

 

Số liệu từ Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy, năm 2023 có khoảng 66.200 phụ nữ tại nước này được chẩn đoán mắc ung thư nội mạc tử cung, với khoảng 13.030 ca tử vong. Đây là loại ung thư phụ khoa phổ biến nhất tại Mỹ. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với trường hợp được phát hiện ở giai đoạn khu trú đạt khoảng 95%.

Tại Việt Nam, ung thư nội mạc tử cung đứng sau các ung thư phụ khoa phổ biến như ung thư vú, cổ tử cung và buồng trứng. Bệnh thường ít được phát hiện sớm do chủ quan hoặc thiếu thói quen khám phụ khoa định kỳ, nhất là ở phụ nữ lớn tuổi đã mãn kinh lâu năm.

 
Đào Dung (Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư