Tiếp xúc với ô nhiễm không khí khiến nhiều người bệnh tâm thần phải nhập viện
Chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu, bụi mịn vượt khuyến cáo nhiều lần
Podcast: Bụi mịn kích thước nhỏ nhưng tác hại to lớn
Bụi mịn, ô nhiễm không khí đe dọa nhiều quốc gia
Bụi mịn PM2.5 và nỗi lo làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú
Theo nghiên cứu của Đại học St Andrews (Vương quốc Anh), tiếp xúc với ô nhiễm không khí ngoài trời làm tăng nguy cơ nhập viện do các bệnh lý tâm thần và rối loạn hành vi. Đây là dữ liệu được thu thập từ hơn 200.000 người Scotland ở độ tuổi 17 trở lên, trong thời gian từ 2002-2017, bao gồm tình trạng sức khỏe và số lần nhập viện vì bệnh tim mạch, hô hấp, truyền nhiễm, bệnh tâm thần hoặc rối loạn hành vi.
Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi nồng độ 4 chất gây ô nhiễm từ giao thông đường bộ và công nghiệp: Nitro dioxide (NO2); Lưu huỳnh dioxide (SO2); bụi mịn có đường kính 10μm (PM10) và bụi mịn PM2.5 ở khu vực sinh sống của những người tham gia nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, mức độ phơi nhiễm tích lũy trung bình với ô nhiễm không khí có liên hệ chặt chẽ đến tỷ lệ nhập viện cao cả về bệnh tâm thần và thể chất. Người càng phơi nhiễm với NO2, bụi PM10 và bụi mịn PM2.5 thì tỷ lệ nhập viện càng cao.
Một vài nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, những người trải qua thời thơ ấu ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao sẽ dễ mắc chứng rối loạn tâm thần trong tương lai. nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Đan Mạch cũng cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách.
TS. Mary Abed Al Ahad, tác giả chính của nghiên cứu kêu gọi, cần có nhiều chính sách và biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu phát thải ô nhiễm không khí như xây dựng khu vực không phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực vận tải. Những biện pháp này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế ở địa phương lẫn quy mô toàn cầu.
Ô nhiễm không khí trong mùa Đông là vấn đề nan giải cho nhiều thành phố ở châu Âu. Theo Euronews, tuần trước, hàng loạt chuyến bay đến thành phố Sarajevo, Thủ đô của Bosnia-Herzegovina đã bị hủy do chất lượng không khí xấu (ở mức 225), sương mù đặc bao phủ thành phố. Người dân ở khu vực bán đảo Balkans này vẫn còn đốt than và củi để sưởi ấm trong mùa Đông. Với địa thế là thung lũng có núi bao quanh, thành phố Sarajevo đặc biệt dễ bị ô nhiễm không khí. Kết hợp với quy hoạch đô thị kém, nhiều công trường xây dựng, dân nghèo còn dùng các biện pháp sưởi ấm không đủ tiêu chuẩn, tình trạng tắc nghẽn giao thông do các phương tiện cũ làm tình hình ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Tại Hà Nội, những ngày qua chất lượng không khí luôn ở mức xấu. Sáng 24/12, trời hửng nắng nhưng trạm quan trắc tại Minh Khai - Bắc Từ Liêm ở mức nguy hiểm (chỉ số AQI 373), trạm Quảng Khánh – Tây Hồ và Đại học Bách Khoa đường Giải Phóng cũng có mức rất không tốt cho sức khỏe.
Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên & Môi trường và báo cáo của Sở Tài Nguyên & Môi trường Hà Nội, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Yếu tố thời tiết có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí Thủ đô. Hà Nội có chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt rất lớn, các yếu tố này làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.
Bình luận của bạn