Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế - Ảnh: Sở Y tế An Giang
Tại sao khỏi COVID-19 rồi nhưng tim vẫn đập nhanh?
Tiêu điểm Sức khỏe+ ngày 10/5/2022
Trẻ nhập viện do nôn, tiêu chảy gia tăng - Phụ huynh đừng lo lắng quá
Bị viêm amidan cấp, khi nào cần gặp bác sỹ?
Sáng 10/5, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp nhận hơn 7,2 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna do Chính phủ Australia viện trợ để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, phấn đấu tháng 6/2022 sẽ tiêm xong cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện, để trẻ yên tâm đến trường. Theo bản tin ngày 10/5 của Bộ Y tế, cả nước đã tiêm hơn 1,88 triệu liều vaccine cho trẻ ở nhóm tuổi này.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; Các cơ sở kinh doanh thuốc hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay về việc tăng cường quản lý đối với sản phẩm chứa methanol được mua, bán tại các cơ sở kinh doanh dược. Theo Bộ Y tế, methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm, không phải thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế. Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ sở bán lẻ thuốc có bày bán các sản phẩm có chứa hoạt chất methanol gây nhầm lẫn với cồn sát trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của người dùng.
Ngoài ngộ độc cồn methanol, thời gian gần đây, các địa phương trên cả nước ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc hóa chất và thuốc. Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa tiếp nhận một trẻ 14 tuổi uống 40 viên thuốc paracetamol với mục đích tự tử. Nhờ được phát hiện kịp thời, bệnh nhi tuy không gặp nguy hiểm về tính mạng nhưng chức năng gan vẫn bị ảnh hưởng.
Còn tại Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa điều trị cho nam bệnh nhân ngộ độc hóa chất diệt muỗi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật toàn thân liên tục, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Ngộ độc thuốc diệt muỗi có chứa thành phần Deltamethrin là loại ngộ độc hiếm gặp, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu, điều trị chủ yếu bằng các biện pháp hồi sức là chính. Trong mùa dịch sốt xuất huyết, người dân nên thận trọng trong việc sử dụng các loại hóa chất diệt muỗi nói riêng và các loại thuốc diệt côn trùng nói chung.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh phẫu thuật cứu sống sản phụ mang thai tuần thứ 39 bị rau bong non thể ẩn hiếm gặp. Sau khi sản phụ sinh em bé 3,5kg, các bác sỹ phát hiện xuất huyết ở vùng rau thai và toàn bộ phần đáy tử cung của sản phụ tím đen do máu tụ. Các bác sỹ đã nhanh chóng sử dụng thuốc co cơ tử cung và kỹ thuật ủ ấm tử cung để bảo tồn tử cung cho sản phụ. Rau bong non là một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ, xảy ra khi rau thai bong sớm dù thai chưa sổ. BSCKII Nguyễn Thanh Hà - Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trường hợp rau bong non thể ẩn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé, nhưng nhờ được xử trí kịp thời nên đã cứu được bé sơ sinh và giữ lại tử cung cho sản phụ.
Bình luận của bạn