Trẻ nhập viện do nôn, tiêu chảy gia tăng - Phụ huynh đừng lo lắng quá

Số lượng trẻ nhập viện vì nôn, sốt, tiêu chảy đang gia tăng

Việt Nam tăng cường lấy mẫu xét nghiệm ca bệnh nghi ngờ viêm gan bí ẩn

Bệnh tay chân miệng ở TP.HCM gia tăng, giám sát bệnh viêm gan "bí ẩn"

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ

Phòng ngừa viêm gan cấp không rõ nguyên nhân ở trẻ: Phụ huynh nên làm gì?

Trẻ tiêu chảy, nôn, sốt  phải nhập viện gia tăng 

Theo ghi nhận của Tuổi trẻ Online, những ngày qua ghi nhận số trẻ đến khám và điều trị các bệnh về tiêu hóa gia tăng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mỗi ngày khoa tiêu hóa của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 trẻ đến thăm khám các vấn đề về tiêu hóa. Trong đó có khoảng 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy.

Tại khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận hàng chục ca bệnh nhi với những biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, ăn uống kém, rối loạn điện giải, hạ đường huyết… có những trường hợp cả nhà phải nhập viện.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ có triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy... Trung bình mỗi ngày 10-30 trẻ đến thăm khám. Các trẻ thường phải nhập viện điều trị do nôn trớ nhiều, tiêu chảy dẫn đến mất nước. 

Trẻ điều trị tại khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: Tuổi trẻ Online

Trẻ điều trị tại khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: Tuổi trẻ Online

Lý giải tại sao có nhiều trẻ nhỏ nôn liên tục, tiêu chảy… trong thời gian gần đây, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, do mùa Hè là mùa có các nhiễm khuẩn liên quan rối loạn tiêu hóa. Dựa trên số liệu khám ở đây, con số này cũng tương tự như hàng năm. Mỗi ngày khoa tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi có vấn đề tiêu hóa, trong đó chỉ khoảng 10-20 trẻ có triệu chứng nôn, tiêu chảy…

Trên thực tế, bệnh đường tiêu hóa thường xảy ra vào mùa Hè - môi trường sống thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Mùa Hè cũng là thời điểm trẻ cùng gia đình được đi du lịch nhiều hơn, sử dụng các thực phẩm chuẩn bị sẵn hoặc thức ăn đường phố cũng khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố vi khuẩn như thịt, cá, hải sản, kem, trứng, sữa và rau quả làm gia tăng tình trạng viêm dạ dày – ruột do nhiễm khuẩn.

Phụ huynh nơm nớp lo lắng viêm gan “bí ẩn”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đến nay có gần 300 trẻ em ở 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mắc viêm gan “bí ẩn”, trong đó ít nhất đã có 9 trẻ tử vong. Tại Việt Nam, qua giám sát dịch tễ, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc căn bệnh này. Do tình trạng trẻ đến khám và nhập viện do sốt, tiêu chảy, nôn chưa rõ nguyên do gia tăng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên quá hoang mang.

Chia sẻ với Vnexpress, bác sỹ Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), cho biết chưa ghi nhận tình trạng trẻ có men gan tăng cao hoặc nguyên nhân liên quan tới gan, mật trong nhóm bị nôn, trớ, tiêu chảy. Một số trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, nhiều trẻ khác nhiễm virus, gây nôn, trớ, tiêu chảy. Do đó phụ huynh không cần quá lo lắng trẻ mắc bệnh viêm gan “bí ẩn.

Bác sĩ Trần Thị Cườm, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng chia sẻ là nhiều phụ huynh lo ngại trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nên đổ xô đưa vào viện khám tạo cảm giác là số bệnh nhân tăng. Bệnh về tiêu hóa thường xảy ra vào mùa Hè vì thời điểm này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong thức ăn, trong môi trường sống dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh.

Do đó, phụ huynh không quá hoang mang, lo lắng, hãy bình tĩnh và theo dõi sức khỏe của trẻ nếu trẻ mắc bệnh.

Phụ huynh cần làm gì khi trẻ sốt, nôn, tiêu chảy?

Phụ huynh cần đánh giá triệu chứng của con xuất hiện như thế nào (sớm hay muộn, có liên quan đến các bữa ăn hay không). Nếu triệu chứng liên quan tới bữa ăn tập thể hoặc đi du lịch về, phụ huynh phải cảnh giác về ngộ độc thực phẩm. Nếu bé đi học ở lớp, có các bạn như vậy, chúng ta quan tâm trẻ nhiễm virus, vi khuẩn.

Nếu trẻ bị nôn, sốt, tiêu chảy thường mất nước, cần điều trị cẩn thận. Nếu bé nôn, sốt, tiêu chảy nhưng vẫn chơi, uống nước, đi tiểu nhiều… phụ huynh có thể theo dõi tại nhà.

Trong trường hợp trẻ khát nhưng không uống được, uống vào nôn ra, nôn tất cả, tốc độ tiêu chảy nhiều cần nhập viện để bác sĩ đánh giá nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ để có sự can thiệp kịp thời.

Khi thấy các dấu hiệu bất thường kéo dài phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện

Khi thấy các dấu hiệu bất thường kéo dài phụ huynh cần đưa trẻ nhập viện

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông. Cùng đó, tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau nôn, đau bụng và có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Nếu trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày, phân nhày máu hoặc có biểu hiện mất nước cũng cần đưa tới bệnh viện.

Khi trẻ xuất hiện những tình trạng như sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… thì cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở để biết có mắc hậu COVID-19 hay hội chứng viêm đa hệ thống hay không.

Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ trong mùa Hè, cha mẹ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường cho trẻ nhằm giảm thiểu tối đa các tác nhân gây bệnh. Một biện pháp quan trọng nữa để phòng ngừa lây nhiễm bệnh mà các bác sĩ khuyến cáo đó là phụ huynh hãy thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở trẻ sát khuẩn tay, nhất là sau khi đi chơi hay đi học về.

 
Nguyễn An (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ