Bao bì thực phẩm chứa nhiều hóa chất có hại với sức khỏe
Hóa chất tạo mùi hương trong nhiều loại sản phẩm có thể khiến trẻ dậy thì sớm
Có nên gọt vỏ dưa chuột và táo không?
Cảnh báo hóa chất gây tự kỷ tiềm ẩn trong đồ dùng hằng ngày
Hóa chất vĩnh cửu (PFAS) và nỗi lo tới sức khỏe, môi trường
Hóa chất xâm nhập vào cơ thể qua… thực phẩm
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học phơi nhiễm và Dịch tễ học Môi trường (Exposure Science and Environmental Epidemiology) ngày 17/9, có 3.601 hóa chất sử dụng trong sản xuất thực phẩm được phát hiện đã “xâm nhập” vào cơ thể con người. Chúng hiện diện trong mẫu máu, tóc hoặc sữa mẹ. 79 trong số đó được cho là có thể gây ung thư, đột biến gene, ảnh hưởng tới hệ nội tiết, sinh sản và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Một nghiên cứu bình duyệt tiếp sau đó cũng cho thấy, có 189 hóa chất trong nguyên liệu liên quan tới thực phẩm có liên quan tới nguy cơ ung thư vú, trong đó hơn 70 chất có thể thôi nhiễm từ bao bì và dụng cụ ăn uống qua sử dụng thông thường.
Rất nhiều hóa chất này từng được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt là an toàn từ hàng chục năm trước. Bà Melanie Benesh – Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ tại Nhóm Công tác môi trường (tổ chức phi lợi nhuận Environmental Working Group/EWG) cho rằng: “Một số hóa chất còn chưa bao giờ được FDA xem xét, kiểm tra. Nguyên nhân là bởi các công ty thực phẩm và hóa chất đang lợi dụng lỗ hổng pháp luật để cho phép họ, chứ không phải FDA, quyết định xem một hóa chất có an toàn hay không.”
Sức ép lên FDA
FDA là cơ quan đại diện và chịu trách nhiệm chính liên quan đến bảo vệ và cải thiện sức khỏe cộng đồng tại Mỹ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Hiện FDA đã cam kết sẽ xem xét lại quy trình đánh giá và kiểm tra độ an toàn của các hóa chất sử dụng trong thực phẩm trên thị trường.
Dù vậy, các quan chức FDA cũng thông tin, chi phí thực tế cao hơn nhiều lần ngân sách dành cho nhiệm vụ này. Phải mất nhiều năm nữa, FDA mới có thể quyết định số phận của những hóa chất mà các nhà nghiên cứu và chính cơ quan này đã từng cảnh báo có nguy cơ gây hại với sức khỏe.
Điển hình là bisphenol A hay BPA, hóa chất có thể gây rối loạn nội tiết, dị tật bẩm sinh, rối loạn hành vi ở trẻ em. Ở người trưởng thành, hóa chất này có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, rối loạn cương dương, ung thư. BPA có trong các loại màng bọc, hộp đựng thực phẩm, chai nhựa.
FDA đã cấm sử dụng BPA trong bình sữa cho trẻ em và các chai lọ đựng sữa công thức. Ngoài ra, BPA được coi là an toàn khi sử dụng trong các mục đích đã được cấp phép khác. Tuy nhiên, năm 2021, Liên minh châu Âu đã phán quyết, dù ở nồng độ thấp hơn nhiều lần BPA vẫn là hóa chất độc hại. Một năm sau, trước kiến nghị của các tổ chức phi lợi nhuận, FDA vẫn chưa phản hồi.
Một nhóm hóa chất khác thường xuất hiện trong bao bì thực phẩm và đồ nhựa dùng một lần là "hóa chất vĩnh cửu" PFAS. Chúng có khả năng chống thấm dầu mỡ và chịu được nhiệt độ cao. PFAS tồn tại bền vững trong môi trường và đã được tìm thấy trong mẫu máu của gần như tất cả người dân Mỹ.
Giới khoa học đã khuyến cáo, khi phát hiện nồng độ PFAS trong máu cao hơn 2 phần tỷ, phụ nữ mang thai và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư vú, tăng cholesterol và tăng huyết áp.
Ngoài ra, phthalate – dung môi sử dụng trong sản xuất nhựa dẻo – được chứng minh có liên quan đến nguy cơ dị tật cơ quan sinh dục ở bé trai, suy giảm testosterone và số lượng tinh trùng ở nam giới. Đây cũng là hóa chất góp phần dẫn tới béo phì ở trẻ em, hen phế quản, bệnh tim mạch, ung thư ở người 55-64 tuổi.
Bình luận của bạn