Phát hiện sớm hiện tượng ẩn tinh hoàn ở trẻ

Tinh hoàn ẩn là gì?

Thời kì bào thai, tinh hoàn của trẻ được hình thành ở hố thận. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 8 của thời kì bào thai, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu cùng các thành phần khác như ống dẫn tinh, mào tinh và các mạch máu.

Trường hợp tinh hoàn nằm bên ngoài đường đi xuống bình thường, thuật ngữ chuyên môn gọi là tinh hoàn lạc chỗ, đây là một bệnh lí rất hiếm gặp.

Tinh hoàn ẩn là một bệnh lý thường gặp hơn, do tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trên đường đi xuống bình thường từ hố thận đến bìu. Đây là một bất thường cơ quan sinh dục hay gặp nhất ở trẻ em. Tỷ lệ mắc khoảng 21% ở trẻ sinh thiếu tháng, 2 – 4% ở trẻ đủ tháng và 1% ở trẻ 1 tuổi; 90% tinh hoàn ẩn một bên, 10% tinh hoàn ẩn cả hai bên.

Làm gì khi
Các bé trai mắc bệnh tinh hoàn ẩn sẽ phải đối mặt với 3 nguy cơ, đó là ung thư tinh hoàn, vô sinh và xoắn tinh hoàn. (Ảnh minh họa)
Có nhiều nguyên nhân gây tinh hoàn ẩn như giảm áp lực ổ bụng, không có dây chằng bìu hay dây quá dài, các yếu tố nội tiết và môi trường, các bất thường thần kinh sinh dục đùi, hay bất thường bẩm sinh của bản thân tinh hoàn.

Phát hiện và điều trị như thế nào?

Việc phát hiện tinh hoàn ẩn tương đối dễ, các bà mẹ khi tắm cho trẻ có thể sờ không thấy tinh hoàn nằm trong bìu ở một bên hay cả hai bên. Khám lâm sàng các bác sĩ có thể sờ thấy tinh hoàn trong ống bẹn. Siêu âm là thăm khám đầu tay phát hiện vị trí tinh hoàn, chỉ định chụp cộng hưởng từ với mọi trường hợp tinh hoàn nằm trong ổ bụng.

Có hai phương pháp điều trị tinh hoàn ẩn là sử dụng thuốc nội tiết tố và mổ.

Đối với việc điều trị bằng nội tiết tố, kết quả ghi nhận 15% bệnh nhân có hiệu quả, tinh hoàn càng ở vị trí cao thì càng dễ thất bại. Các bà mẹ thường lựa chọn phương pháp điều trị này vì tránh được cuộc phẫu thuật. Những tác dụng không mong muốn của liệu pháp này vẫn chưa có ghi nhận, ngoài việc sử dụng nội tiết có thể ảnh hưởng xấu tới sự sinh tinh trong tương lai.

Tuy vậy, lời khuyên của các chuyên gia nam học là nên chờ và theo dõi để tinh hoàn xuống bìu một cách tự nhiên trong năm đầu tiên của trẻ, với trẻ lớn hơn 12 tháng tuổi thì phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất. Có nhiều cách thức phẫu thuật, tùy từng trường hợp bệnh lí cụ thể. Mổ hở là chỉ định dành cho các trường hợp tinh hoàn sờ thấy, mổ nội soi dành cho tinh hoàn ẩn không sờ thấy.

Nguy cơ gì nếu trẻ phát hiện muộn và không điều trị?

Các bé trai mắc bệnh tinh hoàn ẩn sẽ phải đối mặt với 3 nguy cơ, đó là ung thư tinh hoàn, vô sinh và xoắn tinh hoàn.

Tần suất ung thư tinh hoàn ở người có tinh hoàn ẩn là 7,3% cao gấp 10 lần so với những người bình thường. Cứ 2500 bệnh nhân có tinh hoàn ẩn sẽ có 1 người mắc ung thư. Hạ tinh hoàn xuống bìu dường như không làm giảm nguy cơ ung thư nhưng nó sẽ tạo điều kiện cho việc thăm khám dễ dàng hơn.

Ngược lại, việc hạ tinh hoàn xuống bìu càng muộn thì nguy cơ ung thư tinh hoàn càng cao. Thời điểm cha mẹ đưa trẻ đi khám sẽ quyết định rất nhiều đến việc có bảo tồn được tinh hoàn hay phải cắt bỏ. Trẻ đến khám càng muộn thì khả năng bảo tồn càng thấp. Với các trường hợp bệnh nhi trên 10 tuổi có tinh hoàn trong ổ bụng, thường phải cắt bỏ tinh hoàn đề phòng ung thư.

Tinh hoàn ẩn còn là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng sinh sản. Trường hợp bị ẩn cả hai bên thì tỷ lệ vô tinh rất cao, lên tới 89%. Với các trường hợp có tinh hoàn ẩn nằm ngoài bìu ở trẻ lớn hơn một tuổi đều cho hình ảnh mô học các ống sinh tinh giảm đường kính, giảm tế bào mầm sinh tinh, ngừng sinh tinh nửa chừng, xơ hóa bao quanh ống sinh tinh…

Nhiều trường hợp trẻ đến cấp cứu với một bệnh cảnh xoắn tinh hoàn và lúc này thì mới được phát hiện tinh hoàn ẩn.

BS. Nguyễn Thế Lương
Bệnh viện Thận Hà Nội

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ