Thúc đẩy đưa ngành TPCN vươn ra thị trường thế giới

Buổi trao đổi giữa Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và cú hích của ngành TPCN

Doanh nghiệp TPCN cần phấn đấu "làm đúng"

DS. Nguyễn Văn Luận: "Ngành TPCN nhiều thay đổi, lắm thách thức!"

Tầm nhìn mới và vai trò “bà đỡ” của VAFF

Ngày 10/2, lãnh đạo Hiệp hội Thực phẩm chức Năng Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và các cán bộ chủ chốt của Cục về chiến lược tổng quan phát triển, thúc đẩy ngành thực phẩm chức năng (TPCN) vươn ta thị trường thế giới..

Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam- PSG TS Trần Đáng đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển ngành TPCN VN với những đóng góp quan trọng vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển thành ngành kinh tế - y tế có doanh số ngày càng lớn. Chỉ trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua , ngành đã có những bước phát triển nhảy vọt với khoảng 10 ngàn doanh nghiệp và 12.000 mặt hàng, trong đó 80% sản xuất trong nước, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, thành tựu nghiên cứu mới. Đặc biệt, nước ta còn có một nền y học hàng nghìn năm, với nguồn dược liệu phong phú làm nền tảng cho sự phát triển ngành TPCN. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế và thách thức khiến TPCN Việt Nam chưa có thương hiệu trên bản đồ quốc tế.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 36 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước bền vững, trong đó nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm TPCN có nguồn gốc từ thảo dược. Đây sẽ là tiền đề, tạo cú hích cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành TPCN.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú trao đổi về chiến lược quảng bá ngành TPCN - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú trao đổi về chiến lược quảng bá ngành TPCN - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Cục trưởng Vũ Bá Phú nhận định: "Trước đây, có nhiều quan điểm và cách hiểu sai lầm về thực phẩm chức năng. Nhưng hiện tại, mặt hàng này đã trở nên minh bạch, rõ ràng; Thực phẩm chức năng còn được bán tại hiệu thuốc, siêu thị và hệ thống bán hàng online". Theo ông, việc cần làm trước hết là cần tiếp tục "xua tan" được những định kiến của người tiêu dùng về thực phẩm chức năng. Đây cũng là nhiệm vụ mà Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam liên tục đề cao trong những năm qua: Truyền thông cho người dân "hiểu đúng - dùng đúng" về TPCN.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, dù có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đa dạng sinh học, ngành TPCN Việt Nam lại đang lãng phí tiềm năng của mình, ngay cả ở thị trường trong nước. Nguyên nhân một phần đến từ việc quảng bá chưa hiệu quả.

Từ những phân tích của mình, ông Vũ Bá Phú đề xuất 2 phương hướng cho Hiệp hội Thực phẩm chức năng:

Thứ nhất, cần dựa trên văn bản, quy định pháp luật để xây dựng đề án phát triển thương hiệu ngành cho lĩnh vực TPCN với tầm nhìn dài hạn. Đề án cần đề cập tới chuỗi giá trị của ngành, từ vùng nguyên liệu tới sản xuất, nghiên cứu đến bảo hộ nhãn hiệu.

Thứ hai, liên quan đến xúc tiến thương mại, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại gợi ý, ngoài các hội chợ về ngành dược, thực phẩm chức năng còn có cơ hội tham gia các hội chợ về thực phẩm như thực phẩm hữu cơ (organic).

Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội để mời các tổ chức quốc tế liên quan đến TPCN về quảng bá cho ngành, tổ chức hội nghị quốc tế với sự tham gia của nhà nhập khẩu tiềm năng trên thế giới, để giới thiệu những thành tựu mới, sản phẩm mới đã qua thử nghiệm lâm sàng. Sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan hữu quan sẽ giúp ngành TPCN xây dựng chiến lược quảng bá, thương hiệu ngành, sản phẩm… một cách quy mô, bài bản và bền vững.

Ông cũng đề xuất, trước khi tiến tới thị trường phương Tây, ngành TPCN nên cân nhắc Trung Quốc - một thị trường tiềm năng có không ít điểm chung về y học cổ truyền với nước ta.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức Năng Việt Nam mong muốn hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam mong muốn hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Đánh giá cao đóng góp của Cục Xúc tiến Thương mại, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhận định: "Hiệp hội đã từng tổ chức 2 hội nghị quốc tế, nhưng chỉ tập trung vào các nội dung khoa học như chiết xuất, công thức, thành phần chứ chưa hề đề cập đến vấn đề thương mại." Sau buổi trao đổi về những chiến lược tổng quan, PGS Trần Đáng mong muốn tiếp tục hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, hỗ trợ Hiệp hội triển khai thực hiện những định hướng nêu trên nhằm phát triển ngành thực phẩm chức năng trở thành ngành kinh tế - y tế đóng góp lớn vào GDP của đất nước.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn