Bộ Y tế giải "bài toán" thiếu thuốc, đảm bảo nguồn nhân lực y tế

Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định phụ cấp ưu đãi với nhân viên y tế cơ sở, dự phòng

Cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ cán bộ y tế, phát triển y tế cơ sở

Trông đợi ở “Tư lệnh” đến từ ngoài ngành

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp cho nguồn nhân lực ngành Y

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về tiêm vaccine và vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo đó, tại phiên thảo luận sáng 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã đề xuất giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ COVID-19.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế. Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu Nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.

Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 - Ảnh: VGP

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, trả lời VnExpress về giải pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết từ đầu năm 2022, Bộ đã tập trung mọi nguồn lực cho việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc để đảm bảo nguồn cung. Đến nay, cơ quan chức năng đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc có hiệu lực đến hết năm 2022. Tại thời điểm hiện tại, có khoảng 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hiện đang có hiệu lực và khoảng trên 700 hoạt chất các loại nên đã đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Căn cứ diễn biến, tình hình bệnh tật và báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành để đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, khó khăn về nguồn cung, giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung, các cơ sở cung ứng thuốc cũng nắm được biến động của thị trường dược phẩm để chủ động trong việc xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc đảm bảo công tác khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi Luật Dược và các nghị định, thông tư có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các nội dung liên quan đến việc cấp đăng ký lưu hành, đấu thầu tập trung quốc gia. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên được phân công làm công tác đấu thầu và công bố rộng rãi kết quả đấu thầu, thành lập tổ công tác để hỗ trợ cho công tác đấu thầu…

Về giải pháp đảm bảo nguồn cung thuốc trong thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ đổi mới tăng cường hiệu quả đối với công tác đăng ký lưu hành thuốc nhằm đảm bảo nguồn cung về thuốc. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược theo hướng gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính. Bổ sung các đơn vị thẩm định gồm Trường Đại học Dược và các trường Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế để tăng cường việc thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, cung ứng thuốc.

Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung. Công nghệ thông tin sẽ được tăng cường để kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc nhằm theo dõi nguồn cung, từ đó điều tiết kịp thời.

Đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định phụ cấp ưu đãi với nhân viên y tế cơ sở, dự phòng

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội - Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình trước Quốc hội - Ảnh: QH

Giải trình tiếp thu ý kiến tại hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, đây là thời điểm ngành y tế gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều lĩnh vực của ngành đã bộc lộ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng Việt Nam. Khi dịch COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát và lan mạnh ở nhiều quốc gia trở lại, xuất hiện làn sóng chuyển dịch nguồn nhân lực từ y tế khu vực công sang khu vực tư nhân ở nhiều nước.

“Làn sóng chuyển dịch nhân lực của ngành y tế ở Việt Nam bên cạnh những đặc điểm tương đồng với tình hình chung của thế giới, nước ta lại có những đặc điểm đặc biệt hơn. Cụ thể, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Hiện nay Việt Nam có khoảng 10 bác sỹ và 13 điều dưỡng/10.000 dân. Nhân viên y tế công nghỉ việc chuyển công tác sang các khu vực tư cũng tăng mạnh”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế. Theo đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. 

Trước đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế xây dựng, Bộ đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn