2023: Ngành Y tế còn nhiều việc lớn

Khi đội bóng “mạnh vì tài trợ, sợ vì…đụng hàng”

Cha mẹ nên làm gì khi con trẻ biếng ăn?

8 bài tập tốt cho hệ tiêu hóa

Pfizer cán mốc doanh thu 100 tỷ USD, lịch sử có lặp lại vào năm nay?

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, trong cuộc làm việc về công tác y tế do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho biết năm 2023, Bộ đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Bộ Y tế cũng sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Cụ thể là xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường thứ hai trong nhiệm kỳ đầu năm 2023; tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế…; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu, đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội, tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế bảo đảm cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung, tập trung cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; hỗ trợ các địa phương có khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã,...

Box Chinh phu - SK+ 3-2-01

Trước những diễn biến xảy ra với ngành y tế trong thời gian qua, tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được phân công phụ trách, chỉ đạo lĩnh vực cho rằng, "Chúng ta cần nhìn nhận toàn diện những nỗ lực, cố gắng của ngành y tế và cả những bài học rút ra trong quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19". Theo ông, việc Quốc hội khoá XV thông qua Luật Khám chữa bệnh tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai (ngày 19/1/2023) đã cập nhật, đánh giá được tình hình, trong đó có những yếu kém, bất cập về cơ chế, chính sách nảy sinh từ quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19; đồng thời dự báo tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục làm rõ nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân, đâu là do đại dịch COVID-19, đâu là những tồn tại yếu kém, những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách... Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ lớn trong Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong Luật Khám chữa bệnh, ngành y tế cần xác định những vấn đề ưu tiên để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm, không làm dàn trải. "Qua đại dịch COVID-9, những bất cập, yếu kém về cơ chế, chính sách của ngành y tế đã bộc lộ rõ như chưa tính đến tình huống xảy ra đại dịch, nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp. Đây là bài toán, là yêu cầu của nhân dân đặt ra cho ngành y tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bộ Y tế tập trung xem xét cơ chế, chính sách về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế, xã hội hoá y tế… "Đối với những vấn đề cấp bách, Bộ Y tế phải tập trung giải quyết theo tuần, theo tháng, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng… từ Trung ương đến địa phương, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan", chinhphu.vn dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng.

Chủ trì cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song toàn ngành y tế đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Công tác y tế dịp Tết vừa qua góp phần tích cực để nhân dân đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và an toàn.

 

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu ra một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm liên quan đến ngành y tế. Đó là thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống của một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, nhất là cán bộ y tế cơ sở. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm tại các cơ sở y tế công lập. Tình hình thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là vấn đề mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh. Năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, ngành y tế tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế cần sớm hoàn thành và triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề lên mức 100% với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ 01/01/2023.

Tại Nghị quyết 69/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị, từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Tại Điểm 3 Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023) có nội dung, Bộ Chính trị đồng ý các kiến nghị của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, trong đó có nội dung điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%.

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý