Lưu ý 10 triệu chứng nhận biết nguy cơ trầm cảm để phòng tránh bệnh kịp thời
10 dấu hiệu trầm cảm tuổi teen
Trầm cảm mùa đông: Kê đơn ánh sáng!
Nguy cơ trầm cảm vì nghỉ đẻ ít
Trẻ sinh nhẹ cân dễ bị trầm cảm khi trưởng thành
Tâm trạng buồn chán là điều mà tất cả chúng ta đều gặp phải, đó là một phần bình thường của cuộc sống. Nhưng khi bạn đang bị kìm kẹp bởi một nỗi buồn không nguôi hay tuyệt vọng quá mức, đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm lâm sàng. Nếu bạn đã từng đối phó với 4 hoặc nhiều các triệu chứng được liệt kê sau đây mỗi ngày trong 2 tuần liên tiếp khiến bạn gặp rắc rối trong công việc, sinh hoạt, hãy đến gặp bác sỹ ngay lập tức.
1. Thay đổi thói quen ăn uống
Bạn có thể trở nên ăn nhiều hoặc ít hơn bình thường. Trầm cảm có thể khiến bạn mất cảm giác ngon miệng khi ăn. T.S Yvonne Thomas - nhà tâm lý học chuyên về bệnh trầm cảm của Los Angeles (Mỹ) - giải thích cho điều này: Khi bộ não của bạn đang bận tâm với những suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể quên ăn hoặc mất hứng thú trong việc nấu ăn hàng ngày.
Mặt khác, đôi khi dấu hiệu trầm cảm lại gây tác dụng ngược lại. Bạn cảm thấy rất nhanh đói và ăn uống quá nhiều. Điều này do sự kết hợp của những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, bi quan, tự ti về tương lai có thể khiến bạn cố gắng làm dịu tâm trạng bằng việc ăn thật nhiều loại thực phẩm.
2. Thay đổi thói quen ngủ
Khi trầm cảm, nhiều người có xu hướng ngủ nhiều hơn như để trốn tránh và thoát ra khỏi những nỗi buồn trong đầu. Giấc ngủ vô hình trở thành nơi trú ẩn an toàn trong suy nghĩ của họ. Một số khác khi bị trầm cảm lại ngủ không yên, thường xuyên bị gián đoạn trong khi ngủ, thậm chí mất ngủ hoàn toàn bởi những suy nghĩ ám ảnh trong đầu.
Khi cơ thể không được nghỉ ngơi đủ 7 - 8 tiếng/ngày, bạn sẽ gặp phải những vấn đề tồi tệ như rối loạn nhịp sinh học, thường xuyên mệt mỏi, mất tập trung và sẽ ngày càng khó chữa trị. Do đó, khi thấy có sự thay đổi thói quen ngủ như ngủ ít đi hoặc nhiều hơn, bạn nên chú ý đi kiểm tra để nhận được sự tư vấn từ bác sỹ.
Việc thay đổi thói quen ăn uống có thể do những cảm xúc tiêu cực của bệnh trầm cảm
3. Dễ bị kích động
Đây là dấu hiệu trầm cảm âm thầm mà một số ít người gặp phải, được thể hiện dưới trạng thái dễ bị kích thích và cáu kỉnh vô cớ. Bạn có thể cảm thấy cáu kỉnh và gắt gỏng với những điều nhỏ mà thông thường, chúng ta có thể kìm lại và dễ dàng bỏ qua chúng. Nguyên nhân là do áp lực của rất nhiều cảm xúc nặng nề được tích tụ lâu ngày, khiến bạn dễ cảm thấy khó chịu khi gặp một tác động bên ngoài.
4. Không thể tập trung
Bạn quên thời hạn nộp báo cáo hay quên cả việc đón con sau giờ đi làm? Bạn cảm thấy tâm trí không thể chú trọng vào bất cứ thứ gì, và bỗng dưng gặp chứng hay quên? Bộ não của bạn có thể đang gặp vấn đề với chứng trầm cảm. Bị ám ảnh bởi những suy nghĩ chứa đầy buồn phiền và sự trống rỗng, bạn có thể bị nhấn chìm với những ý tưởng mơ hồ, thiếu hoạch định, có thể ảnh hưởng đến công việc, bộ nhớ, và các kỹ năng ra quyết định. Suy nghĩ không tập trung có thể làm bạn có những quyết định không tối ưu hoặc dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, gây nguy hiểm.
Khi bộ não đang gặp vấn đề bởi chứng trầm cảm, bạn khó tập trung trong mọi việc
5. Thay đổi sở thích, mất hứng thú
Bạn đã từng rất vui vẻ với nhóm bạn thân hay đồng nghiệp của mình, nhưng giờ đây, bạn né tránh tất cả. Bạn không tham gia vào những cuộc vui bởi chúng không còn gây hứng thú với bạn - rất có thể bạn đã bị trầm cảm. Trầm cảm khiến bạn thờ ơ với các hoạt động và sở thích vốn dĩ bạn hay làm và điều đó làm cho bạn tự cô lập bản thân. Nó thiết lập một chu trình luẩn quẩn: Trầm cảm cướp đi ở bạn khả năng tìm được niềm vui ở bạn, vì vậy bạn ngừng làm những điều có thể giúp tâm trạng trở nên nhẹ nhõm, vui vẻ.
6. Cảm thấy bản thân vô giá trị
Suy nghĩ lặp đi lặp lại kiểu "Tôi không đủ tốt" hay "Tôi không thể làm gì" rất nguy hiểm vì chúng có thể gây nên hành vi tự làm hại bản thân. Khi bạn nghĩ theo cách này, bạn có xu hướng tìm cách để kiểm chứng những suy nghĩ đó, và điều đó sẽ làm cho bạn bị trầm cảm hơn và dễ gặp nhiều rủi ro. Bạn có cảm giác cực kỳ tội lỗi cho những điều đáng ra bạn không phải chịu trách nhiệm, ví dụ, một cuộc chia tay tồi tệ hoặc vừa mất việc. Chúng cũng còn giáng đòn mạnh vào sự tự tin khiến bạn trầm cảm hơn.
Tự cô lập, suy nghĩ tiêu cực về bản thân cũng là triệu chứng của trầm cảm
7. Ám ảnh với những suy nghĩ về cái chết
Bạn suy nghĩ liên tục về cái chết, bạn tự hỏi bạn bè và những người thân sẽ thế nào nếu bạn làm điều dại dột đó. Thậm chí bạn nghĩ ra tất cả các cách khác nhau để thực hiện điều này,…
Tất cả điều trên chứng tỏ, đã đến lúc bạn cần một sự giúp đỡ lập tức từ các chuyên gia. Những ý nghĩ này sẽ tạo ra một mối đe dọa trực tiếp lên cuộc sống của bạn. Điều quan trọng là bạn phải nhanh chóng nhận ra sự thay đổi đó nếu gặp những ám ảnh về cái chết hàng ngày hay gần như mỗi ngày trong 2 tuần để có thể kịp thời chữa trị.
8. Hoảng sợ và lo lắng
Cảm xúc tràn ngập sự sợ hãi thường là biểu hiện một rối loạn lo âu. Và khi điều này xảy ra, chúng rất dễ là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm. Những người có biểu hiện lo lắng thái quá trong thời gian dài thường bị trầm cảm, và có thể xuất hiện những cơn hoảng loạn từ họ. Tất nhiên, hầu hết chúng ta luôn gặp phải lo âu trước một thử thách nào đó. Trong trường hợp nặng, nó mang đến cảm giác sợ hãi, suy nghĩ ám ảnh, khiến tim đập nhanh, đổ mồ hôi quá nhiều và các vấn đề rắc rối khi bạn ngủ.
9. Luôn mệt mỏi vì mất năng lượng
Mê mệt, trầm cảm có thể chỉ đơn giản là hậu quả của việc bạn ăn quá ít hay ngủ quá nhiều. Nhưng đó cũng là kết quả của một thời gian dài bạn khủng hoảng, buồn phiền. Đối phó với những tiêu cực trong cảm xúc có thể khiến năng lượng trong cơ thể giảm nhanh chóng. Nó khiến bạn mệt mỏi và giải quyết công việc chậm chạp hơn bình thường. Bạn luôn thấy quá sức với cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi bước ra khỏi giường và đi tắm cũng làm bạn cảm thấy kiệt sức.
Khi mệt mỏi thường xuyên cùng với những cơn đau không rõ nguyên nhân, cần nghĩ đến nguy cơ của trầm cảm
10. Xuất hiện những cơn đau không rõ nguyên nhân
Sự đau đớn về mặt tinh thần nếu không được giải phóng sẽ chuyển thành những cơn đau khắp cơ thể như đau đầu, đau bụng, cổ và đau lưng, thậm chí buồn nôn. Tất nhiên, không phải mọi cơn chuột rút hoặc đau nhức là một triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nhưng nếu bạn đang mắc phải một căn bệnh mãn tính mà chưa giải quyết được, hãy đến gặp bác sỹ để xác định bạn có đang rơi vào chứng trầm cảm hay không.
Bình luận của bạn