Rối loạn ám sợ: Căn bệnh đe dọa cuộc sống của bạn

Bệnh nhân rối loạn ám sợ luôn có những nỗi sợ hãi vô lý

Suy nhược thần kinh: Hội chứng nguy hiểm

Mệt mỏi mạn tính vì suy nhược thần kinh

“Đồng bọn” của suy nhược thần kinh

Probiotics – vũ khí chống trầm cảm

Rối loạn ám sợ với đặc điểm là lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Căn bệnh này làm giảm hiệu suất trong công việc và các mối quan hệ xã hội do bệnh nhân sợ hãi và tránh né các hoàn cảnh có thể gây ra phản ứng sợ hãi như: Sợ đi máy bay, sợ đồ sắc nhọn, sợ nhân vật, sợ đám đông... Đối với những người mắc bệnh, rối loạn ám sợ là một cơn “ác mộng” tồi tệ.

Nguyên nhân chính xác của rối loạn ám sợ không được biết rõ, nhưng nó bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu liên quan tới các sang chấn tâm lý kết hợp với yếu tố nhân cách có xu hướng lo âu.

Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, bệnh có thể xuất hiện nhiều triệu chứng. Triệu chứng tâm lý có thể bao gồm: Lo âu và sợ hãi; Những suy nghĩ ám ảnh; Cảm giác nguy hiểm sắp xảy ra hoặc thảm họa; Bồn chồn, khó chịu; Thiếu kiên nhẫn và mất tập trung… Triệu chứng thể chất có thể bao gồm: Nhịp tim nhanh hay bất thường; Ra mồ hôi, đặc biệt là lòng bàn tay; Khô miệng; Cơ bắp căng thẳng; Khó thở, chóng mặt hoặc ngất; Buồn nôn và ói mửa…

Người mắc bệnh sợ hãi và tránh né xuất hiện ở nơi công cộng

Rối loạn ám sợ có rất nhiều dạng nhưng được nhóm thành ba loại chính:

Ám sợ xã hội (Social phobia): Điểm nổi bật ở những người mắc bệnh là họ thường chú ý quá mức về bản thân, tự ti về hình thức của mình nên rất sợ người khác cười nhạo, chế giễu. Người mắc bệnh sợ hãi và tránh né một cách vô lý các tình huống mà hoạt động có thể bị người khác quan sát như: phát biểu, biểu diễn, ăn uống, đi lại nơi công cộng... Thường gặp nhất là sợ phát biểu trước đám đông. Chứng bệnh này rất phổ biến, chiếm tới 3 - 5% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ ngang nhau. Bệnh thường bộc phát trong giai đoạn thanh thiếu niên, có thể kéo dài trong vòng 25 năm nếu như không có phương pháp điều trị.

Ám sợ khoảng rộng (Social phobia): Thuật ngữ dùng để chỉ những bệnh nhân sợ đi đến nơi công cộng mà không có bạn bè hoặc người thân đi kèm, sợ đám đông, sợ ở nhà một mình, sợ đi một mình trên các phương tiện giao thông... Ám sợ khoảng rộng gây nhiều trở ngại cho người bệnh trong công việc và cuộc sống hằng ngày, vì họ hầu như không dám ra khỏi nhà. Bệnh thường khởi phát từ 18 - 35 tuổi, chủ yếu gặp ở phụ nữ (chiếm 2/3).

Ám sợ chuyên biệt (Specific phobia): Còn gọi là ám ảnh sợ đơn thuần, riêng rẽ hoặc duy nhất. Bệnh nhân sợ hãi vô lý một đối tượng cụ thể nào đó, nhất là sợ động vật (chủ yếu là côn trùng, chuột, chó, động vật bò sát). Một số người sợ độ cao và không gian đóng kín (thang máy, nhà kho, xe bus). Nỗi sợ hãi phần lớn xuất hiện khi còn nhỏ và biến mất khi trưởng thành. Nếu bệnh vẫn còn tồn tại sau đó thì phải điều trị. Bệnh nhân loại này có thể dễ dàng điều trị hơn hai loại trên.

Cũng như những rối loạn tâm lý khác, việc điều trị rối loạn ám sợ bao gồm hai phương pháp chính: Sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý.

Rối loạn ám sợ thường được điều trị với nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng amitriptylin cùng nhóm benzodiazepine. Tuy nhiên việc lựa chọn loại thuốc nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như là bệnh nhân có bệnh lý khác kết hợp hay không, điều kiện tài chính như thế nào và chỉ dẫn của bác sỹ ra sao.

Nghiên cứu mới cho thấy, trị liệu nhận thức hành vi (CBT) có tác dụng tốt hơn, đồng thời lợi ích vẫn kéo dài sau khi điều trị ban đầu chấm dứt. Ở Việt Nam, trị liệu bằng các liệu pháp này còn chưa được phổ biến. Việc điều trị bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cách xử lý khi có những biểu hiện lo âu, hoảng sợ như bằng cách tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp giúp bệnh nhân dần dần thích nghi được với các hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ dần biến mất.

Để điều trị bệnh ám sợ hiệu quả, thường kết hợp cả hai phương pháp dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Thuốc chống trầm cảm có thể nâng trạng thái cảm xúc, giúp người bệnh tham gia tích cực hơn vào quá trình trị liệu và đưa đến kết quả tốt hơn.

Thanh Hà H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh