Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới không khó!


Môi trường ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về đường hô hấp

Phương thức phòng ngừa chính là: Làm sạch môi trường vi khí hậu gia đình, giữ ấm đường thở và tăng cường hệ miễn dịch bản thân.

Thay đổi môi trường vi khí hậu

Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân gây bùng phát nhiều dịch bệnh, cả bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay. Thay đổi/ ngăn chặn ô nhiễm môi trường là một trong những điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa gia tăng số lượng bệnh nhân nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nói riêng và bệnh đường hô hấp nói chung. Mỗi cá nhân trong cộng đồng cần đóng góp một phần nhỏ trong việc giữ sạch và bảo vệ môi trường.

Đầu tiên, theo PGS.TS Tạ Bá Thắng, là cải thiện môi trường vi khí hậu gia đình. Cải thiện môi trường không khí, giúp không khí được luân chuyển để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp bằng cách: Đưa khí trời vào các phòng, luân chuyển khí trong phòng ra bên ngoài nhà, đặc biệt những nơi đông người.


“Khi có các triệu chứng gợi ý nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám xét, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời”.

PGS.TS Tạ Bá Thắng

Việc tạo môi trường sống sạch trong nhà như: Quét dọn thường xuyên, làm sạch các vật dụng gia đình để loại trừ bụi, loại bỏ lông và phân vật nuôi (chó, mèo, chim) được phát tán trong môi trường… làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, giảm nồng độ các dị nguyên gây các đợt cấp của các bệnh mạn tính. Ngoài ra, cần loại trừ những nơi ẩm ướt trên nền nhà, tường nhà, hoặc dùng máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ để làm giảm độ ẩm trong không khí xuống dưới 50%.

Xây dựng môi trường không khói thuốc cũng là yếu tố cần thực hiện triệt để trong công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới và các bệnh phổi mạn tính. Theo PGS.TS Tạ Bá Thắng, giảm hút thuốc lá (chủ động và thụ động) sẽ giảm được 50% nguy cơ phát/ tái phát nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, cũng như giảm 50% cơn kịch phát của các bệnh phổi mạn tính.

Giữ ấm đường thở

Đường hô hấp tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng (gần 100m2) nên là cơ quan đầu tiên của cơ thể chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang, từ đó nhiễm trùng có thể lan lên tai gây viêm tai giữa, lan xuống gây viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cơn hen phế quản cấp do nhiễm trùng phế quản.

Cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi; Tránh hút thuốc, khói thuốc và khói bếp; Nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính. Với môi trường điều hòa, chỉ nên để nhiệt độ điều hòa chênh lệch thấp với nhiệt độ bên ngoài để cơ thể dễ thích ứng (nhiệt độ chênh lệch không quá 5oC).

Tăng cường hệ miễn dịch

Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng. Nên tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu, thực phẩm đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.

Một yếu tố nữa là tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Nên tiêm vaccine phòng ngừa cúm hàng năm, tiêm vaccine phòng phế cầu (5 năm/lần) và vaccine phòng vi khuẩn haemophilus cho tất cả những người có bệnh phổi mạn tính làm giảm đáng kể tần suất các đợt nhiễm trùng hô hấp.

Ngoài ra, người bệnh/ nguy cơ bệnh cũng nên điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, tránh tái phát và biến chứng mạn tính.

9 lưu ý phòng bệnh chủ động ngay khi húng hắng ho:

1. Chú ý nghỉ ngơi

2. Tránh xa khói thuốc lá.

3. Uống nhiều nước, tránh các đồ uống có cafein như cocacola, trà đặc, cà phê…

4. Lưu thông không khí trong phòng.

5. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như táo đỏ, cà chua, rau chân vịt, cải thảo...

6. Đi khám cần phải tìm rõ nguyên nhân và chữa trị dứt điểm.

7. Kiên trì vận động, tập luyện thể thao đều đặn.

8. Chú ý dự báo thời tiết để mặc phù hợp.

9. Chú ý vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay.



linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp