Phụ nữ cần chú ý gì khi bổ sung calci, vitamin, acid béo omega-3?

Bạn không nên tự ý bổ sung các loại vitamin, khoáng chất

6 dưỡng chất nên bổ sung để khắc phục mái tóc khô, hư tổn

8 loại thảo dược, dưỡng chất người bệnh đái tháo đường nên bổ sung

4 dưỡng chất bạn nên bổ sung để giảm đau bụng kinh

Chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo: Đây là 5 dưỡng chất rất nhiều người thiếu hụt

Dưới đây là một vài điều chị em phụ nữ nên chú ý khi có ý định bổ sung dưỡng chất cho cơ thể:

Calci

Nhiều chị em nghĩ rằng mình cần nhiều calci hơn khi có tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen ăn nhiều các sản phẩm từ sữa trong chế độ ăn uống hàng ngày, việc bổ sung thêm calci từ các loại thực phẩm chức năng có thể không thực sự cần thiết.

Theo bác sỹ Tasneem Bhatia (người Mỹ), việc bổ sung calci trong thực phẩm chức năng, kết hợp cùng việc ăn nhiều các sản phẩm từ sữa thậm chí có thể gây nguy hiểm. Theo đó, “bổ sung quá 1.200mg calci/ngày có thể làm tăng nguy cơ đau tim ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh”. Chưa kể, bổ sung quá nhiều calci lại có thể làm suy yếu xương, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hệ tim mạch và não bộ.

Do đó, bạn nên trao đổi với bác sỹ trước khi có ý định bổ sung calci để cải thiện sức khỏe xương khớp. Với người bình thường, uống 1 cốc sữa, ăn 170ml sữa chua mỗi ngày đã có thể bổ sung từ 400 - 600mg calci, từ đó giúp xương chắc khỏe và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả.

Acid béo omega-3

Không nên tự ý bổ sung acid béo omega-3 khi dùng thuốc làm loãng máu

Thiếu hụt các loại acid béo thiết yếu, đặc biệt là acid béo omega-3 có thể làm tăng nguy cơ mất xương ở phụ nữ. Một nghiên cứu năm 2014 trên những người phụ nữ trong độ tuổi 65 trở lên, bị loãng xương cho thấy: Những người bổ sung GLA (một loại acid béo omega-3) trong vòng 3 năm ít có nguy cơ bị mất xương hơn so với những người dùng giả dược.

Tuy nhiên, acid béo omega-3 cũng là một chất có khả năng làm loãng máu mạnh. Do đó, những phụ nữ đang phải dùng thuốc làm loãng máu nên tránh tự ý bổ sung acid béo omega-3. Bác sỹ Tasneem Bhatia cho biết: “Bổ sung quá nhiều acid béo omega-3 khi dùng thuốc làm loãng máu có thể khiến bạn dễ bị bầm tím, chảy máu kéo dài và tăng nguy cơ xuất huyết não”.

Acid folic

Bổ sung acid folic có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trừ khi bạn đang mang thai hoặc đang có ý định mang thai, đa số phụ nữ không cần phải bổ sung dưỡng chất này. Ăn nhiều ngũ cốc, rau chân vịt, bông cải xanh, măng tây và cam trong chế độ ăn uống hằng ngày là đủ để bổ sung lượng acid folic bạn cần.

Vitamin tổng hợp

Trên thực tế, vitamin tổng hợp là một trong những loại thực phẩm chức năng được dùng phổ biến nhất, đặc biệt với nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, bác sỹ Tasneem Bhatia cho rằng không phải ai cũng nên bổ sung vitamin tổng hợp.

“Các loại vitamin tổng hợp chỉ phù hợp với những người có chế độ ăn uống nghèo nàn, những người bị thiếu nhiều dưỡng chất nói chung. Những người có chế độ ăn uống cân bằng nên làm việc với bác sỹ, chuyên gia dinh dưỡng để xác định xem bạn đang thiếu hụt loại vitamin nào, từ đó có kế hoạch bổ sung đúng (các) loại vitamin đó”.

Vitamin B6

Vitamin B6 có thể giúp cơ thể tạo ra serotonin, chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng, duy trì làn da khỏe đẹp. Do đó, có rất nhiều chị em phụ nữ bổ sung vitamin B6 để chăm sóc da.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nên bổ sung dưỡng chất này. Bác sỹ Tasneem Bhatia cho biết: “Những người bị đột biến gene MTHFR chỉ có thể chịu được hàm lượng B6 thấp. Nếu bổ sung quá nhiều vitamin B6, họ có thể bị eczema (chàm, viêm da cơ địa), hay cảm thấy ngứa ngáy, tê bì tay chân”.

Các nhà khoa học ước tính có khoảng 33% dân số mang đột biến gene này. Do đó, bạn nên thận trọng khi bổ sung vitamin B6 từ các loại thực phẩm chức năng. Thay vào đó, hãy bổ sung vitamin B6 tự nhiên từ các thực phẩm như cá ngừ, đậu xanh, cá hồi và các loại ngũ cốc.

Vi Bùi H+ (Theo Thehealthy)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng