Sốt xuất huyết phá vỡ quy luật, miền Bắc có thể trở thành "điểm nóng"

Diễn biến dịch sốt xuất huyết hiện nay không còn tuân theo chu kỳ chung

Y tế tuần: Cứu sản phụ trẻ nhịp tim nhanh gấp 3 lần người bình thường

Khai trương văn phòng mới của MSD tại Hà Nội

Bộ Y tế: 40% số ca mắc tay chân miệng do chủng EV71

New Zealand cung cấp thiết bị hỗ trợ chẩn đoán bệnh truyền nhiễm

Dịch sốt xuất huyết phá vỡ chu kỳ

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi sinh sống của các loài muỗi Aedes. Ở nước ta, các tài liệu ghi nhận bệnh thường xuất hiện và bùng phát thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình cao. Chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết là khoảng 4-5 năm có một đỉnh dịch.

Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết có diễn biến khó lường. TS.BS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định chu kỳ dịch hiện đã có sự thay đổi. Cụ thể, năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh với số ca mắc và tử vong rất cao. Ngay sau đó đến năm 2019 và năm 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kỳ 4 năm như quy luật trước đó. “Sự thay đổi này cho thấy, dịch sốt xuất huyết hiện nay diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào”, TS.BS Nguyễn Văn Dũng đánh giá.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm nay đến giữa tháng 6/2023, Hà Nội đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022). TS.BS Nguyễn Văn Dũng dự báo: "Hiện dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu “đảo chiều” so với năm 2022. Trong khi khu vực phía Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái thì miền Bắc lại có dấu hiệu gia tăng số ca mắc”. Thời gian tới, Hà Nội có thể sẽ là “điểm nóng” về sốt xuất huyết.

Muỗi truyền sốt xuất huyết không đẻ trứng ở cống rãnh mà chỉ sinh sôi ở vùng nước sạch như nước mưa đọng

Muỗi truyền sốt xuất huyết không đẻ trứng ở cống rãnh mà chỉ sinh sôi ở vùng nước sạch như nước mưa đọng

Một trong những yếu tố gây ra sự biến động của bệnh là do diễn biến thay đổi của thời tiết, khi mùa Đông ở miền Bắc không quá lạnh, mùa Hè quá nóng, mưa nhiều… Đây là cơ hội để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Mưa nhiều cũng sẽ tạo ra các ổ nước cho ổ bọ gậy phát triển, mật độ muỗi cao dẫn đến khả năng truyền bệnh cho con người cũng tăng lên. Trong khi đó, người dân vẫn có thói quen tích trữ nước mưa hay trồng cây cảnh, hòn non bộ, vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

Nhiều ca sốt xuất huyết nặng ngay từ đầu mùa

Thông thường, mùa dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Tuy nhiên, năm 2023, dịch đến sớm từ đầu tháng 5-6, các cơ sở y tế ghi nhận rải rác nhiều ca bệnh. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, do đầu mùa nên nhiều người không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ tư, thứ năm, khi máu bị cô đặc, tiểu cầu hạ thấp, quá mệt mỏi, bệnh nhân mới nhập viện, dẫn tới tình trạng nặng nề.  

Chuyên gia cũng cảnh báo, mùa Hè là thời điểm lưu hành một số bệnh dịch dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết như COVID-19, cúm, thủy đậu, tay chân miệng… Điều trị sai phác đồ có thể dẫn tới chậm trễ, nguy hiểm đến tính mạng. Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới đây đã tiếp nhận 2 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng, không được các tuyến trước phát hiện bệnh sớm. Trong đó, một bé trai 4 tháng tuổi sốt cao liên tục 3 ngày và tiêu chảy 5-6 lần, nổi hồng ban ở tay chân được chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng, bệnh tay chân miệng ở phòng khám tư.

PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý: “Người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1Ag để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời."

Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Nếu có nhu cầu diệt muỗi, người dân nên liên hệ với các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn