Sức khỏe nền kinh tế sau đại dịch: Đi tìm các tế bào “xanh”

Sau đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục

GE Healthcare và Elekta hợp tác trong lĩnh vực xạ trị ung thư

Khi con em được đến trường!

Hà Nội và… Quang Hải: Chia tay thần tượng

Người từng mắc COVID-19 tiêm vaccine vào thời điểm nào?

  • Khi bạn thấy các sắc xanh trên các biểu đồ, điều đó có nghĩa là tăng trưởng tốt.

Nhưng “xanh” không có nghĩa chỉ là tăng trưởng, mà hơn thế, còn có nghĩa là sạch, là bảo vệ môi trường, hòa hợp thiên nhiên, hướng tới một tương lai giảm thiểu dịch bệnh, chiến tranh và nạn đói - ba loại tai họa giết hại con người nhiều nhất trong lịch sử. Trong kinh tế, “xanh” hội đủ tất cả nghĩa đen và nghĩa bóng: Tăng trưởng, organic, an toàn, tự nhiên, chống chịu và bền vững…

Sức khỏe của một nền kinh tế, hay nói chung là sức khỏe của một quốc gia, luôn ước mơ phát triển. Tuy vậy, nghịch lý hiện nay là, phát triển thường đi đường ngược chiều với “xanh”, nghĩa là phải trả giá bằng xâm hại thiên nhiên, hủy hoại môi trường. Kinh tế càng lớn, càng phát triển thì không phải chỉ hại môi trường, tự nhiên trong nước mà còn ảnh hưởng tới các lãnh thổ lân cận. Bài học tổng quát nhất từ đại dịch COVID-19, mà nhiều tác giả và nhà khoa học đồng ý, là: “Mua nhiều thì phải trả nhiều”. Nếu vì lợi ích của mình mà con người lấy đi của tự nhiên nhiều thì phải trả giá đắt, cao nhất là dịch bệnh, chiến tranh và nạn đói.

Năm 2022 đang diễn ra cả ba: Omicron (toàn cầu), xung đột (Nga-Ucraina) và nạn đói (Afghanistan). Việt Nam chúng ta là một nước nhỏ (diện tích chỉ bằng nửa Ucraina) và về kinh tế, là nước đang phát triển. Trạng thái “Đang phát triển” có lợi thế là nhiều lựa chọn, đi sau có cơ hội học kinh nghiệm người đi trước. Như nguyên tắc “mua nhiều trả nhiều”, nước giàu với bất cứ giá nào, lại càng gây hại.

Sau đại dịch, sự lựa chọn của Việt Nam, như Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều lần xác định: không phát triển hồi phục với bất cứ giá nào, mà phải theo hướng kinh tế xanh, và kinh tế số. Xanh là mục tiêu, số là giải pháp. Nhìn lại thực tế, quý 1/2022, vừa sống chung với dịch, vừa phục hồi sức khỏe kinh tế, chúng ta liệu có an tâm?

Sức khỏe nền kinh tế thường được định lượng ở ba chỉ số: Giá cả ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng. Bộ ba phát triển này gọi là “bộ ba bất khả thi”. Tuy vậy, tùy theo cách điều hành, bộ ba này vẫn có thể tạo hiệu ứng tốt cho nhau. Hiện nay, sự hồi phục của sức khỏe kinh tế Việt Nam đang vận hành theo chiều này.

vov_hoi_nhap_kinh_te_jlmb

(Ảnh VOV)

Giá "xanh"

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, trong đó có vấn đề lạm phát tại Việt Nam. Ngay sau Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đã chích ngừa đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, chúng ta đã có kế hoạch phục hồi kinh tế. Thật ra suốt hai năm đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “mục tiêu kép” mềm và linh hoạt. Ngay khi đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu là kềm chế lạm phát, giữ cho giá các mặt hàng dân sinh ổn định. Mục tiêu kềm chế lạm phát dưới 4% sau đại dịch là một mục tiêu không dễ dàng, nhưng chú trọng vào sự bình ổn giá cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm hàng ngày thì chúng ta có thể.

Thước đo lạm phát được công bố rộng rãi nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), được Tổng cục Thống kê báo cáo trong quý 1/2022 là tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Đứng trước ám ảnh lạm phát tăng cao như Mỹ và châu Âu xấp xỉ 5%, nhiều chuyên gia lo ngại và đề nghị Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát trên 4% để tránh thất vọng. Tuy vậy cũng có ý kiến khác, dựa vào kinh nghiệm và thực tiễn Việt Nam, cho rằng chúng ta có thể kềm chế lạm phát 4% như kế hoạch. “Chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào”, chuyên gia tài chính - tiền tệ Lê Xuân Nghĩa nói trong một tọa đàm gần đây. Ông cho rằng chúng ta “nhập khẩu lạm phát” thì cũng “xuất khẩu lạm phát”. Nền kinh tế Viêt Nam hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu và xuất khẩu chúng ta vẫn tốt ngay trong đại dịch, tốt hơn khi trở lại “bình thường mới.”

Tỷ giá hối đoái ổn định cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến lạm phát. Thặng dư thương mại, một nguyên nhân gây căng thẳng trong quá khứ với Hoa Kỳ, đã giảm một nửa vào năm 2021 xuống còn 4 tỷ USD. Tỷ giá hối đoái danh nghĩa của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ tăng nhẹ và dự trữ ngoại hối tăng trong bốn tháng nhập khẩu, là mức tăng kỷ lục trong một thập kỷ, khoảng 115 tỷ USD.

thu-tuong-pham-minh-chinh-neu-5-de-xuat-thuc-day-quan-he-thuong-mai-dich-vu-noi-chung-va-kinh-te-so_1

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nền kinh tế Việt Nam phải đi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số (Ảnh: Báo Quốc tế)

Sau dịch, cung tiền sẽ đẩy lạm phát lên, nhưng theo ông Nghĩa, nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh. Thật ra, tỷ lệ lạm phát đồng tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống đại đa số dân chúng. Làm sao Chính phủ điều hành ổn định các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, xăng dầu… thì sẽ an dân và làm cho tỷ lệ lạm phát trong vòng kiểm soát.

Việc làm "xanh"

Đặc biệt, Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới nên đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ. Đại dịch xảy ra khu vực thiệt hại nhiều nhất là du lịch và dịch vụ nói chung, nhưng chính giáo sư David Dapice của Đại học Harvard cũng ngạc nhiên khi hết quý 1/2022, các ngành dịch vụ tại Việt Nam tăng nhanh. Điều này lý giải cho nhiều việc làm được cung ứng cho xã hội, hạn chế nạn thất nghiệp.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 khoảng 1,3 triệu người, so với khoảng 1,2 triệu người của năm 2021. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm công nghiệp cả nước, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử đều có nhu cầu tuyển lao động từ 200 - 1.500 lao động phổ thông, không yêu cầu trình độ chuyên môn cao.

Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung thì có hiện tượng thiếu lao động cục bộ tại các thành phố lớn sau dịch COVID-19, nhưng tình trạng không trầm trọng. Lực lượng lao động tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất không biến động lớn. Số lượng lao động ngoại tỉnh rời thành phố về quê chủ yếu là lao động tự do.

Tăng trưởng "xanh"

Ngày 4.4, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng “điểm sáng nổi bật là tăng trưởng GDP đạt khá, quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.

“Triển vọng cho sức khỏe kinh tế năm 2022 là tốt”. Khi các nhà máy và dịch vụ trở lại hoạt động bình thường, sản lượng sẽ tăng vọt, giống như Trung Quốc đã có vào đầu năm 2021. Chỉ tiêu tăng trưởng là 6,5%.

mo cua du lich

Du lịch bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19

Hầu hết các dự báo là tăng trưởng từ các tổ chức quốc tế cho GDP Việt Nam năm 2022 thực tế là 6 - 7%.

Du lịch sẽ bắt đầu phục hồi sau mức sụt giảm hơn 95% so năm 2019.

Xuất khẩu sẽ tăng khoảng 15% và cán cân thương mại sẽ vẫn ở mức dương. Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp và tiền đồng sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ so với đô la Mỹ. Dự báo này giả định rằng việc đóng cửa biên giới của Trung Quốc sẽ giảm bớt, cho phép nhiều dòng chảy thương mại bình thường hơn so với năm 2021. Hình ảnh hàng ngàn xe container “đông cứng” tại biên giới hy vọng sẽ không còn làm xấu xí bộ mặt thương mại biên mậu nữa. Trong khi đó, quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ đã được cải thiện ngày càng tin cậy hơn, thúc đẩy dòng vốn FDI vào công nghệ cao là một phần hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế sang “Công nghiệp 4.0” và cải thiện năng suất.

Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhờ các dòng máu vốn đầu tư và vốn đầu tư nước ngoài, giúp các” cơ bắp” xuất khẩu mạnh khỏe, ít nhất trong năm 2022 và 2023. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng liệu các dòng máu ấy sẽ như thế nào trong nhiều năm sau đó?

Một tác dụng phụ của tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng của Việt Nam là giá trị gia tăng sản phẩm phụ trợ nội địa bị tụt hậu. Phần lớn công việc chỉ là lắp ráp đơn giản thay vì phát triển một mạng lưới các ngành công nghiệp phụ trợ như các kế hoạch của Chính phủ. Chính điều này sẽ khiến FDI trở nên "khó khăn hơn" khi lương tăng và nguồn cung lao động thắt chặt. Hiện nay phần lớn các nhà máy đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn sử dụng hầu hết phụ tùng từ nước ngoài. Đây là lỗ hổng lớn của nền sản xuất tại Việt Nam, đã được cảnh báo từ lâu, và Chính phủ đã có chính sách ưu tiên cho hệ thống công nghiệp phụ trợ, nhưng dường như sự tiến bộ trong lãnh vực này vẫn bị đứt gãy và lãng quên. Nhiều công ty nội địa yếu kém về tài chính và sẽ cần thời gian tích lũy nguồn lực để cải tiến máy móc, đào tạo và tiếp thị. Hy vọng trong những năm sắp tới công nghiệp phụ trợ từ các nhà máy doanh nghiệp tư nhân sẽ lấp lổ hổng này nhờ họ đã cố gắng tăng đầu tư lên 7% nhằm cải tiến các sản phẩm phụ trợ cho xuất khẩu.

 

 

Một vấn đề khác là việc tiếp tục sửa đổi quy hoạch mang lưới điện PDP-8, kế hoạch mới để mở rộng sản xuất điện. Nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo luật này mang tính thay đổi từ một cách tiếp cận cân bằng với nhiều năng lượng tái tạo hơn sang một phương pháp rất ưa chuộng là than đá. Các kế hoạch tăng cường truyền tải đã bị thu hẹp lại và điều này sẽ làm tổn hại đến bất kỳ nguồn vốn FDI nào vào năng lượng xanh , tăng trưởng năng lượng mặt trời đã bị giới hạn vào năm 2022. Thay đổi này không phù hợp với tuyên bố của chúng ta tại Hội Nghị Môi trường COP26 năm ngoái tại Pháp.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo PPP đã vượt quá 11.000 đô la Mỹ bình quân đầu người vào năm 2021. Đây là mức tăng rất “xanh” so với năm 2000 nhưng sức khỏe chung của nền kinh tế Việt Nam, so với Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia cùng khối ASEAN, thì vẫn “gầy” hơn. Sức khỏe kinh tế sẽ còn phải đối mặt với các bệnh mãn tính về môi trường như nước biển dâng đe dọa làm ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long và thậm chí thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tiền lương tăng, áp lực tăng xuất khẩu và trình độ công nghệ giảm khiến kinh tế chịu thách thức, ít nhất trong hai năm 2022-2023. Nhìn xa hơn nữa về sức khỏe nền kinh tế, chúng ta phải tính đến các kế hoạch bài bản để ứng phó với các cuộc tấn công mạng. Đây là chiến lược không thể không có khi chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, như Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Các hiện tượng này, về chiến lược, nếu không nằm trên các bàn nghị sự của các cơ quan chức năng, sẽ làm sức khỏe kinh tế với tăng trưởng tốt hiện nay, không “xanh” như kỳ vọng.

 

TS. Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin