SUCKHOE+ THUC DUONG-03

Về lý thuyết, “thực” nghĩa là chế độ ăn uống sinh hoạt, “dưỡng” nghĩa là dưỡng sinh. Chúng ta có thể hiểu đơn giản đây là cách ăn uống và sinh hoạt điều độ, phù hợp với đồng hồ sinh học để cơ thể luôn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn.

Chế độ thực dưỡng còn có tên gọi khác là phương pháp thực dưỡng Ohsawa, được đặt theo tên của người sáng lập Georges Ohsawasinh. Khi áp dụng chế độ ăn này, thực phẩm chính thường được mọi người sử dụng trong bữa ăn đó là gạo lứt kết hợp với các thực phẩm có tính cân bằng âm - dương.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ trên Vtc.vn, nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm sản phẩm từ động vật, ăn các thực phẩm theo mùa tại địa phương và ăn bữa ăn trong chừng mực. Với chế độ này, phải ăn toàn phần, nghĩa là thực phẩm trải qua ít công đoạn chế biến nhất (ngũ cốc nguyên cám, rau củ sạch nguyên vỏ, đậu hạt, đường đen, động vật...). Phác đồ thực dưỡng gồm 10 giai đoạn hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối cùng thì chỉ còn ăn gạo lứt, muối mè và uống nước.

SUCKHOE+ THUC DUONG-04

Chế độ ăn thực dưỡng không chỉ quan tâm về cân nặng, hơn cả nó hướng tới sự cân bằng của cuộc sống. Những người theo chế độ ăn thực dưỡng được khuyến khích ăn thường xuyên, nhai thức ăn thật kỹ trước khi nuốt, lắng nghe cơ thể, sống năng động và duy trì tinh thần hạnh phúc.

Những thành phần thực phẩm trong thực dưỡng như ngũ cốc nguyên cám và rau củ về cơ bản tốt cho sức khỏe. Nguyên tắc ăn các thực phẩm càng ít chế biến càng tốt cũng là một nguyên tắc đúng. Tuy nhiên, chế độ ăn thực dưỡng có thể dẫn đến sự thiếu hụt dinh dưỡng do hạn chế ăn sản phẩm từ động vật, dẫn đến suy nhược cơ thể cho người áp dụng.

SUCKHOE+ THUC DUONG-05

Vào tháng 7/2020, bé gái 30 tháng tuổi được Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chẩn đoán mắc ung thư bạch cầu (Leucose, Leucemie) cấp tính, tình trạng tủy xương sản sinh lượng bạch cầu quá lớn và giải phóng vào máu quá nhiều bạch cầu non không đủ sức chống đỡ vi khuẩn, thiếu hồng cầu và tiểu cầu do sản sinh hai dòng này bị lấn át. Bệnh viện đề nghị chuyển cháu về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) nhưng mẹ của bé quyết định bỏ Tây y và tìm mua đồ ăn thực dưỡng trên mạng để chữa bệnh cho bé. Người bán hàng quả quyết rằng, nếu làm đúng hướng dẫn, bé sẽ khỏi bệnh khi các vết bầm tím trên da biến mất vì bầm đen là máu độc. Tuy nhiên, khi các vết bầm tím trên da chưa hết, bé đã ra đi.

Hay trường hợp bệnh nhân nữ 59 tuổi tại Hà Nội nhập viện tại khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau bụng dữ dội, cơ thể suy kiệt. Qua kết quả xét nghiệm, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân nhiễm toan chuyển hoá rất nặng, men gan lên tới hàng nghìn đơn vị/lít. Ngay lập tức, bệnh nhân được cho thở máy, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân không qua khỏi.

Theo gia đình, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường trước đó 2 năm và duy trì dùng thuốc theo đơn của bác sỹ kê. Gần đây, bệnh nhân đột ngột ngừng thuốc để chuyển sang áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng lan truyền trên mạng. Theo đó, suốt 2 tháng qua, bệnh nhân chỉ ăn gạo lứt, muối vừng, sữa hạt và ngồi thiền. Hậu quả, bệnh nhân bị suy kiệt nặng, sau 2 tháng giảm 7kg, tình trạng đau bụng tăng dần, đến khi không chịu nổi mới vào bệnh viện cấp cứu.

SUCKHOE+ THUC DUONG-06

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, chế độ thực dưỡng cũng mang lại một số lợi ích nhất định, chế độ ăn này giàu ngũ cốc nguyên hạt, nhiều rau xanh, quả chín để cung cấp cho chúng ta một số năng lượng, các gốc chống oxy hóa. Tuy nhiên, chế độ ăn thực dưỡng lại có thể gây thiếu hụt một số dưỡng chất, đặc biệt là chất đạm từ động vật. Đối với các bệnh nhân ung thư, tình trạng suy kiệt, suy mòn trong ung thư rất quan trọng. Khi bị bệnh, người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Vai trò của chất đạm đã được khẳng định rất rõ, đạm có giá trị sinh học cao thường đến từ nguồn động vật. Nếu không được cung cấp đầy đủ trong quá trình điều trị, tình trạng suy kiệt của bệnh nhân ung thư gia tăng, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả. Chính vì vậy, đến nay, các chuyên gia sẽ không cổ xúy bất kỳ một chế độ ăn chuyên biệt nào cho bệnh nhân ung thư.

SUCKHOE+ THUC DUONG-07

Đặc biệt với bệnh nhân ung thư cần ưu tiên các đạm giá trị sinh học cao từ nguồn động vật. Như chúng ta đã biết, khi bệnh nhân vào viện là giai đoạn sức đề kháng đã kém. Lúc này, người bệnh càng cần ưu tiên các nguồn đạm có giá trị sinh học cao. Bên cạnh đó, họ cũng cần tăng lượng đạm nhiều hơn so với bình thường. Người bệnh nên chọn các nguồn đạm có giá trị sinh học cao, chất lượng tốt để tăng sức đề kháng, đỡ mất cơ và giúp phục hồi trong quá trình điều trị.

Đến nay, tất cả các khuyến cáo từ các hiệp hội, các nhà chuyên môn đều khuyên chúng ta hãy cố gắng ăn uống lành mạnh, phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý của người bệnh. Bạn nên tham khảo hướng dẫn của chuyên gia để có chế độ ăn phù hợp nhất với từng giai đoạn, từng điều kiện nhất định, từ đó lấy được tất cả các giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm. Chế độ ăn uống cần cân đối, hợp lý để người bệnh ung thư có được kết quả điều trị tốt nhất, cũng như duy trì được cuộc sống khỏe mạnh.

SUCKHOE+ THUC DUONG-08
SUCKHOE+ THUC DUONG-09
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Dinh dưỡng