Chính vì thế, câu nói “ăn cá giúp con thông minh” cũng nghiễm nhiên trở thành kim chỉ nam trong cẩm nang nuôi mang bầu và nuôi con nhỏ của nhiều bà mẹ.
Tuy nhiên, chính tâm lý này đã khiến nhiều bà mẹ quên mất một thực tế rằng, rất nhiều loài cá, đặc biển là cá biển nước sâu, loài cá được xem là an toàn và dinh dưỡng nhất, trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên đã hấp thụ một lượng thủy ngân rất cao rồi chuyển hóa thành methyl thủy ngân, một chất độc có khả năng gây nhiễm độc và làm thương tổn sự phát triển hệ thần kinh vô cùng non nớt của bào thai và trẻ nhỏ.
Theo đó, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ ( FDA) từ lâu đã khuyến cáo các bà mẹ đang mang bầu và nuôi con nhỏ nên loại bỏ một số loại thủy hải sản ra khỏi thực đơn của mình trong thai kỳ và khi nuôi con nhỏ để tránh nhiễm độc thủy ngân.
Đứng đầu danh sách này là cá thu to, cá mập, cá kiếm, cá pecca vàng, cá ngừ và cá kình. Ngoài ra các loại thân mềm như trai, sò, vẹm... cũng nằm trong danh sách khuyến cáo nên cẩn trọng khi ăn trong thai kỳ do chứa hàm lượng thủy ngân cao.
Các nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cũng cho thấy, lời khuyến cáo này của FDA đã được nhiều bà mẹ Mỹ tin cẩn thực hiện. Theo đó, hàm lượng thủy ngân trong máu các bà mẹ có thai và đang nuôi con nhỏ tại Mỹ đã giảm trung bình 34% trong giai đoạn từ năm 2000-2010. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều trẻ em đã thoát khỏi nguy cơ mắc các bệnh lý về thần kinh do nhiễm độc thủy ngân.
Nhưng việc sợ hãi thủy ngân có đồng nghĩa với việc các bà mẹ sẽ “xa lánh” các món ăn liên quan đến thủy hải sản? Ngược lại, các bà mẹ không nên giảm khẩu phần thủy hải sản trong bữa ăn của mình và con nhỏ mà thay vào đó hãy lựa chọn các loại thủy hải sản phù hợp.
Theo khuyến cáo của EPA, các loại tôm, cá ngừ trắng đóng hộp, cá hồi tự nhiên, cua, cá trê, cá tuyết, cá trích và một số loại cá nước ngọt khác được xem là an toàn. Các loại cá này ít hấp thụ thủy ngân từ môi trường nước và chứa nhiều loại dinh dưỡng, khoáng chất có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt thật sự giúp ích cho quá trình phát triển não bộ của trẻ, thay vì làm thương tổn nó như một số loại cá chứa thủy ngân kể trên.
Tuy nhiên, không phải càng ăn nhiều cá càng tốt, các bà mẹ không nên ăn quá 350g cá/tuần (chia đều khoảng 3 bữa cá, mỗi bữa khoảng 100g). Bữa ăn đa dạng sẽ đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi và trẻ nhỏ.
Thêm nữa, các mẹ bầu không nên ăn cá sống, gỏi cá, món sushi… Các loại cá chưa được nấu chín dễ bị nhiễm khuẩn E.coli và sán nên có thể gây ngộ độc. Chỉ nên sử dụng những loại cá tươi và nấu chín kỹ trước khi sử dụng.
Ngoài ra, các mẹ bầu cần chú ý không nên ăn nhiều nội tạng, gan cá hay uống các loại dầu cá trong thời gian thai kỳ vì các loại thực, dược phẩm này chứa nhiều Vitamin A. Một lượng quá lớn Vitamin A cũng sẽ có thể trở thành nguy cơ “đầu độc”, làm hại đến bào thai non nớt.
Như vậy, muốn con được khỏe mạnh và thông mình, trước hết phụ nữ cần phải không ngừng tìm hiểu để trở thành một bà mẹ thông thái, thông thái cả trong cách dạy dỗ và nuôi dưỡng trẻ.
Bình luận của bạn