Thoái hóa khớp: Bắt đầu từ tuổi 40

Không chỉ là bệnh của người cao tuổi

Thoái hóa khớp là một trong những bệnh khớp mạn tính rất thường gặp ở người cao tuổi với hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhày giúp bôi trơn trong khớp. Sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn, khuyết... Bệnh làm giảm chức năng vận động, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Tuổi càng cao tốc độ thoái hóa khớp càng tăng

Thoái hóa khớp xảy ra do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tái tạo sụn và thoái hóa sụn. Tuổi càng cao thì quá trình tái tạo sụn càng giảm, đồng thời tốc độ thoái hóa sụn tăng lên. Sự mất cân bằng giữa hai quá trình này dẫn tới hiện tượng các tế bào sụn già không được thay thế, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharid giảm rối loạn. Từ đó, chất lượng sụn giảm dần, tính chất đàn hồi và khả năng chịu lực giảm.

Theo các bác sỹ chuyên khoa, thoái hóa khớp được chia làm 2 dạng là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát. Trong đó, thoái hoá khớp nguyên phát do lão hoá của mô khớp, hoặc do sụn khớp được tưới máu và nuôi dưỡng kém,… dẫn đến mất tính đàn hồi và khô cứng. Khi hoạt động, sụn chạm vào đầu xương, gây hoại tử ở nơi chịu áp lực mạnh nhất. Bệnh này chỉ gặp ở người trên 40 tuổi.

Khác với thoái hoá khớp nguyên phát, thoái hoá khớp thứ phát thường do sự lão hoá sớm của sụn khớp, xuất hiện sau chấn thương làm tổn thương diện khớp, hoặc từ những chấn thương nhỏ nhưng tác động nhiều lần, khớp hoạt động quá tải; do di chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm đa khớp dạng thấp…

Những người béo phì cũng thường mắc chứng hư khớp do quá nặng cân, các khớp luôn trong tình trạng bị sức ép lớn. Những thể thứ phát này thường trầm trọng hơn những thể nguyên phát. Ngoài ra, những yếu tố về thời tiết, khí hậu… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh xuất hiện.

Thoái hoá khớp nguyên phát ở các khớp được xếp theo thứ tự “ưu tiên” như sau: Khớp liên đốt sống (trên dưới 50% các trường hợp), khớp gối (13%), khớp háng (8%), khớp liên đốt ngón tay (6%) và các khớp khác (20%).

Tổn thương ở khớp bắt đầu từ những hoại tử của sụn khớp, sau đó là sự phá huỷ hệ thống trượt ở những vùng tỳ đè của xương dưới dạng một dải xơ và đường viền xung quanh khớp, các gai xương ở ngoại vi khớp. Bao hoạt dịch dày lên, hình thành những đường vân, có thể sụn hoá. Sụn hoá của bao hoạt dịch rơi vào ổ khớp gây cản trở cho hoạt động của khớp. Các xơ co kéo gây nên tình trạng cứng khớp.

Bệnh thoái hoá khớp nguyên phát hay gặp ở người 40 - 50 tuổi, và ở phụ nữ sau khi mãn kinh, nhưng điều nguy hiểm là thoái hoá khớp hầu như không có triệu chứng. Các dấu hiệu chỉ xuất hiện khi xương và hệ thống bao khớp hoạt dịch bị tổn thương thực sự. Bệnh thường khởi đầu âm ỉ, tiến triển chậm với những giai đoạn được cải thiện theo cảm nhận chủ quan. Thể điển hình, người bệnh đau khớp vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy; đau giảm sau khi khớp được hoạt động và hết đau khi nghỉ ngơi. Khớp không sưng và không có các dấu hiệu toàn thân.

Đau là biểu hiện đầu tiên và thường gặp nhất. Người bệnh đau ở vị trí khớp bị thoái hóa, đau âm ỉ, ít khi đau lan (trừ trường hợp thoái hóa cột sống gây chèn ép rễ và dây thần kinh); đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Một số ít trường hợp có sưng, nóng, đỏ tại vị trí khớp bị thoái hóa. Người bệnh bị hạn chế vận động chủ động và thụ động tại các khớp bị thoái hóa, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế ở một số động tác. Các khớp bị biến dạng nhưng không nhiều, nguyên nhân do mọc các gai xương, lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch. Ngoài ra, người bệnh có thể bị teo cơ, có tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp (thường là khớp gối).


Tập luyện thường xuyên giúp phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp

Phòng bệnh hiệu quả

Và nguyên tắc cơ bản trong phòng và điều trị thoái hóa khớp là làm chậm quá trình hủy hoại khớp, đặc biệt là ngăn sự thoái hóa của sụn khớp; Giảm đau và duy trì khả năng vận động, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phế cho người bệnh, trong đó, điều trị nội khoa là chủ yếu bằng các thuốc giảm đau chống viêm, thuốc kích thích tế bào sụn, tăng chất nhầy của khớp. Ngoài dùng thuốc, vật lý trị liệu (siêu âm, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, đắp bùn, luyện tập chỉnh sửa tư thế...) và châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt đem lại hiệu quả tốt với người bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm kéo dài hoặc không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác dụng không mong muốn đối với người bệnh, đặc biệt hay gặp là gây viêm loét dạ dày - tá tràng thứ phát nên người bệnh không được tự ý dùng thuốc mà phải có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.

Để phòng bệnh thoái hóa khớp có hiệu quả, cần hướng dẫn người cao tuổi thực hiện các chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh cho khớp bị quá tải bởi trọng lượng và vận động: duy trì cân nặng hợp lý, tránh các tư thế: đứng lâu; ngồi vẹo lệch, không cân đối. Tập luyện thường xuyên và vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, không nên tập vận động quá mạnh hoặc quá lâu. Với người cao tuổi, tốt nhất nên tập thể dục nhẹ nhàng, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ nhẹ nhàng trong khoảng thời gian 20 - 30 phút/ngày. Thực phẩm ăn uống nên đa dạng, giàu protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi (trứng, sữa, tôm, cua, lươn và các loại nhuyễn thể, các loại quả chín và rau có màu xanh đậm hoặc màu vàng...).

Bệnh viên Nhân dân 115 vừa phối hợp với các đơn vị ngành y dươc thực hiện nghiên cứu về bệnh thoái hóa khớp gối trên 488 nữ và 170 nam trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân này có sự khác nhau giữa hai giới. Với nữ, triệu chứng thường gặp là đau khi lên cầu thang (41,8%) và đau khi ngồi xổm (40,2%), ở nam là đau khi lên cầu thang (20%) và nghe có tiếng lạo xạo trong khớp (17,1%). Ngoài ra còn có các triệu chứng ít gặp hơn như sưng khớp, đau khi nghỉ, cứng khớp dưới 30 phút, biến dạng khớp… Nghiên cứu đưa ra, các triệu chứng đau có thể được dùng như chỉ định của thoái hóa khớp gối.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp