TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: son môi được làm từ sáp, dầu, chất chống ô xy hóa và chất làm mềm da. Sáp trong son môi có vai trò tạo cấu trúc rắn cho son. Các loại dầu và chất béo khác được sử dụng trong son môi (dầu ô liu, dầu khoáng, bơ, ca cao, thầu dầu, mỡ heo) nhằm hòa tan các thành phần có trong son và tạo bề mặt sáng bóng khi thoa lên môi. Để tạo màu sắc cho son, các chất màu vô cơ hoặc hữu cơ cũng có thể sẽ được thêm vào. Ngoài ra, người ta còn có thể cho thêm một số các phụ gia khác như chất làm đầy (silica), chất giữ ẩm, dầu silicone, chất chống tia tử ngoại,… để tạo ra các sản phẩm có đặc tính mong muốn và đặc trưng của nhà sản xuất cũng như tạo phong cách riêng biệt cho người sử dụng. Vì son nằm trên môi - nơi mà hóa chất có thể đi vào cơ thể dễ dàng nên các tạp chất độc hại có trong son được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Kim loại nặng, như chì, là một trong các mối quan tâm đó.
Với cách dùng nhẫn vàng để xem son có chì, TS Huỳnh Khánh Duy nhận định, phương pháp này không đúng và không có căn cứ khoa học. Nếu thử chà xát lên thành phần sáp, thành phần chiếm hàm lượng lớn trong mỹ phẩm, trên một trang giấy trắng bằng các kim loại khác nhau thì kết quả cũng xuất hiện những vệt đen tương tự. Vàng, bạc, đồng hay hợp kim thiếc khi thử son theo cách trên cũng có thể tạo ra những vệt đen.
Vì vậy, không thể kiểm tra chì trong mỹ phẩm bằng cách nêu trên. Để làm được việc này, cần sự hỗ trợ của máy móc và phải tuân theo các quy trình thực nghiệm phức tạp, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng ở người thực hiện, vì các kim loại này có hàm lượng rất nhỏ (từ vài phần triệu trở xuống, nghĩa là một ký lô mẫu chỉ chứa vài mg kim loại).
Bình luận của bạn