- Chuyên đề:
- Đồng tính
Trong tình cảm người đồng tính thường hay yếu đuối (Ảnh minh họa)
Đồng tính và những nỗi đau day dứt
Tại sao đồng tính giả "nở rộ" ở Việt Nam?
Đồng tính - Rầm rộ trào lưu
Đồng tính - Bệnh lý hay khuynh hướng tình dục tự nhiên?
Đồng tính: Nỗi đau xưa và hạnh phúc hiện tại
Bị xã hội, gia đình cô lập
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình, bà thường nghiền ngẫm văn hóa lạ để thấu hiểu và giúp học trò của mình tiếp cận với những văn minh mới, tránh xa văn hóa xấu, trụy lạc... Ở Việt Nam, những tác phẩm văn học về đồng tính đến muộn hơn các nơi khác. Thậm chí, đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, những tác phẩm đó còn bị coi là văn hóa đồi trụy và bị cấm. “Nhưng khi tôi biết đến nó, tôi đã trải nghiệm với từng tác phẩm để hiểu họ là những người như thế nào. Và khi tôi hiểu được thì tôi thấy thương xót cho họ nhiều hơn là kinh sợ. Bởi đó là vấn đề tự nhiên, vấn đề khác biệt và nó thuộc về thiểu số", bà Bình chia sẻ.
Cái nhìn của người đời đối với những người thuộc thế giới thứ 3 vẫn chưa thực sự cởi mở. Giới trẻ có thể dễ dàng chấp nhận cái mới, chấp nhận đồng tình là một khuynh hướng tự nhiên tạo sự đa dạng cho xã hội nhưng đối với các thế hệ già, các thế hệ đi trước thì đồng tính vẫn là một cái gì đó kinh khủng, không thể biện bạch và chấp nhận.
Chính vì vậy, rất nhiều người đồng tính đã không dám sống thật với bản thân, họ cứ để những băn khoăn, dày vò, trăn trở nuốt trôi đằng đẵng thời gian đẹp của tuổi thơ, tuổi học trò, thậm chí cho đến khi trưởng thành. Người đồng tính thường yếu đuối do sự xa lánh, kỳ thị của xã hội nên dễ sa vào những con đường tội lỗi hoặc trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo.
Chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thị Bình, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, người có hơn 30 năm nghiên cứu về đồng tính, bạo hành giới cho biết: “Những người đồng tính, chuyển giới, song tính (quan hệ tình dục với cả nam, cả nữ) đang bị xã hội cô lập”.
Điều TS. Hồng băn khoăn và trăn trở từ nhiều năm nay đó là bạo hành giới ở những người đồng tính đang bị bỏ sót. Trong luật Bạo hành gia đình không có quyền lợi nào cho những người đồng giới. Trong khi đó, những người đồng giới đang bị bạo hành về tinh thần và thể xác rất nhiều.
Người đồng tính xứng đáng có được một hạnh phúc thật sự của riêng mình
Có những trường hợp bà Hồng cho biết họ bị gia đình, bạn bè, nhà trường kỳ thị. Chính vì thế, đa số những người đồng tính không được học hành tử tế. "Tôi biết có trường hợp bị bạn bè ném sách vở, kỳ thị không cho đi học nhưng khi phản ánh với thầy cô, nhà trường thì chính ngay thầy cô cũng kỳ thị với những học trò đồng tính, chuyển giới. Rất nhiều em học sinh khi thừa nhận thân phận đồng tính của mình là đi liền với việc các em phải nghỉ học".
Không chỉ xã hội mà ngay cả gia đình của những người đồng tính cũng kỳ thị họ, thậm chí có những trường hợp bị chính cha đánh, mẹ thuê người đánh để cho chừa. Hiện nay, người đồng tính chưa được pháp luật bảo hộ, chưa được công nhận hôn nhân nên họ đang vô cùng đau khổ, túng quẫn.
Vị chuyên gia này còn cho hay, không được học hành “đến nơi đến chốn” cùng với sự bí bách áp lực trước xã hội, gia đình nên các em lại càng dễ sa ngã vì thiếu kiến thức, tự ti, chán nản. Có người thì tìm cách tự tử để giải thoát cho chính mình, lại có người lao vào những con đường tội lỗi như lừa đảo, cướp giật, lừa tình người đồng ngới để trả thù đời…
PGS.TS. Nguyễn Thị Bình cho rằng, những người đồng tính là những người không may mắn nhưng họ không đáng phải chịu sự kỳ thị cũng như sự phân biệt đối xử như thế của xã hội. "Ai cũng có sự khác biệt so với người khác. Mình muốn người khác chấp nhận sự khác biệt của bản thân thì mình phải chấp nhận cái khác biệt của người khác. Đồng thời khi mình tôn trọng sự tự do của người khác thì người khác cũng sẽ tôn trọng sự tự do của mình. Đó là điều tất yếu và câu chuyện đồng tính cũng vậy. Nhưng để xã hội có thể chấp nhận người đồng tính thì cần một quá trình", PGS.TS. Bình nhận định.
Lý do khiến người đồng tính còn e dè trong việc tự cởi bỏ mặt nạ để hòa nhập với xã hội, nhà thơ Hữu Việt thẳng thắn nêu, sự kỳ thị chính là nguyên nhân lớn nhất. Theo ông: "Kỳ thị mới là căn bệnh cần tất cả mọi người hợp sức đấu tranh loại bỏ".
Suy nghĩ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”
Về bi kịch mà người đồng tính phải gánh chịu khi kết hôn vì chữ hiếu, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, suy nghĩ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” của các bậc cha mẹ trong chuyện ép con lấy người mình không yêu, không thấy chút hấp dẫn nào về giới tính, là hoàn toàn sai lầm.
Kết hôn vì chữ hiếu chỉ làm khổ cho cả 3
Ông khẳng định: “Sự hy vọng hão huyền của bố mẹ làm khổ cả hai người. Người đồng tính thì không được sống thật với cuộc sống mà tạo hóa đã ban cho họ. Người vợ (chồng) của họ thì bị lừa dối, cứ hy sinh, chăm chút cho gia đình mà không hay biết mình đang đi vào ngõ cụt. Đứa trẻ sinh ra chịu thiệt thòi nhất vì không được hưởng trọn vẹn tình cảm thiêng liêng của bố mẹ, nên không thể phát triển bình thường, toàn diện. Với những cặp gay và les lấy nhau có thỏa thuận, đứa con sẽ thiệt thòi gấp bội phần”.
Đặc biệt, những trường hợp bắt buộc người đồng tính yêu thương người khác giới là vô lý, chẳng khác gì bảo nam yêu nam, nữ yêu nữ trong mối quan hệ dị tính. "Đừng ai làm khổ họ mà hãy để họ được sống với đúng ý nghĩa của cuộc đời", ông nói.
Nhận định thêm về vấn đề này, ông Lương Thế Huy - Đại diện Tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền của người đồng tính (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường – iSEE) cho hay: “Nhiều người đồng tính nghĩ rằng sống thật sẽ rất khó nên chọn cách tạo vỏ bọc để sống giả mà không biết rằng sống giả còn khó khăn hơn sống thật gấp bội phần. Có một thực tế là đa phần đều không giấu được sự thật sau khi cưới ít lâu”.
"Việc kết hôn vì chữ hiếu của người đồng tính thực tế là đang đi ngược lại với chữ hiếu khi đã tự làm mình khổ, trở thành kẻ làm tổn thương, lừa dối gia đình họ hàng đôi bên… Vì vậy, mỗi người đồng tính hãy cân nhắc, cuộc sống là của mình, mình phải có trách nhiệm làm cho bản thân hạnh phúc", ông Huy cho biết.
Bình luận của bạn