Tại sao xảy ra cơn ho kéo dài sau khi bị cảm lạnh?

Có những cơn ho kéo dài hàng tuần sau khi người bệnh khỏi cảm lạnh - Ảnh: Getty Image.

Mẹo giảm ho và cảm lạnh trong mùa Hè

Phân biệt cảm lạnh và dị ứng trong mùa Hè

Phân biệt cảm lạnh và dị ứng trong mùa Hè

Ho kéo dài do viêm phế quản - Làm sao để cải thiện?

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm họng, ho kéo dài và cách điều trị

Đối với người bị cảm lạnh, sau khi hắt hơi, sụt sịt và sổ mũi giảm dần, một triệu chứng thường kéo dài là ho. Nhưng tại sao những cơn ho đôi khi kéo dài mãi không khỏi?

Theo Live Science, Tiến sĩ Albert Rizzo, Giám đốc y tế của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ cho biết, nguyên nhân chính khiến cơn ho mãi không dứt là do tình trạng viêm nhiễm kéo dài. Chứng viêm này có thể đến từ nhiều nguồn nên gây khó khăn cho việc điều trị.

Những nguồn này có thể bao gồm nhiễm virus và vi khuẩn gây viêm đường thở và mũi. Chứng viêm này gây kích ứng niêm mạc ở đường thở và mũi, tạo ra dịch nhầy - đờm và nước mũi gắn liền với cảm lạnh. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH),  Viêm mũi thường dẫn tới chảy dịch mũi sau, tức dịch nhầy trôi từ mũi xuống họng và là nguyên nhân phổ biến gây ho.

"Khi các hạt tiến vào đường thở qua mũi hoặc miệng, chúng có thể thúc đẩy thụ thể ở phổi thông báo cho não bộ. Áp lực sau đó tích tụ ở cơ hoành và không khí bị đẩy mạnh ra ngoài, mang theo bụi, thức ăn và dịch nhầy" - Tiến sĩ Albert Rizzo giải thích thêm về cơ chế ho.

Ngoài viêm mũi, cơn ho kéo dài sau cảm lạnh do viêm đường thở có thể mất vài tuần để thuyên giảm. Thời gian này có thể lâu hơn nếu người bệnh từng bị viêm phổi hoặc hút thuốc, theo tiến sĩ Rizzo.

Khi một người bị ốm, tế bào miễn dịch đặc biệt có tên đại thực bào và bạch cầu trung tính giúp đối phó nhiễm trùng ở đường thở. Những tế bào đó cũng gây viêm. Thỉnh thoảng sau khi bệnh cảm lạnh kết thúc, các tế bào như vậy vẫn lưu lại khiến đường thở bị viêm. Đó là lý do tại sao cơn ho có thể tiếp tục xảy ra sau khi bị nhiễm trùng, tiến sĩ Amy Dickey, bác sĩ phổi và chăm sóc lâm sàng ở bệnh viện đa khoa Massachusetts kiêm giảng viên hướng dẫn ở Trường Y Harvard, cho biết.

Trong khi đó, các mô mỏng manh của đường thở có thể cực kỳ nhạy cảm với hạt bay vào mũi hoặc miệng. Đó là vì có một hệ thống dây thần kinh và cơ phức tạp trong đường thở, cổ họng và não bộ kiểm soát cơn ho.

"Giống như nếu bạn gõ búa phản xạ lên đầu gối, chân bạn sẽ duỗi ra. Phản xạ tương tự cũng xảy ra trong đường thở", Tiến sĩ Amy Dickey giải thích.

Nói cách khác, virus và dịch nhầy là "búa phản xạ" và cơn ho giống như "phần chân duỗi ra". Khi chứng viêm giảm dần, phản xạ này trở nên kém nhạy hơn và cơn ho sẽ biến mất.

Ho nhiều có thể gây khó chịu, tuy nhiên, cơn ho lại đóng vai trò như một chức năng miễn dịch - Ảnh: istock

Ho nhiều có thể gây khó chịu, tuy nhiên, cơn ho lại đóng vai trò như một chức năng miễn dịch - Ảnh: istock

Theo bác sĩ Amy Dickey, đối với những cơn ho kéo dài từ 3 đến 4 tuần sau khi bị ốm, có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp rút ngắn cơn ho hoặc giảm các triệu chứng. Ví dụ, nếu chảy nước mũi kèm theo ho, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi có thể giúp giảm viêm, giảm triệu chứng chảy nước mũi. Bên cạnh đó, viên ngậm trị đau họng cũng có thể giúp làm dịu thanh quản và giảm ho. Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Y học Tim phổi và Phục hồi chức năng cho thấy, mật ong và nước muối cũng có thể giúp giảm ho.

Mặc dù ho nhiều có thể gây khó chịu, tuy nhiên, cơn ho lại đóng vai trò như một chức năng miễn dịch. Nếu vật kích ứng và dịch nhầy ở trong đường thở, chúng có thể phá hủy mô hoặc phổi, thậm chí gây nghẹt thở. Vì vậy, tiến sĩ Amy Dickey khuyến khích tập mô phỏng thở sâu để làm loãng dịch nhầy giúp ho ra dễ hơn. Điều này sẽ giúp loại bỏ vật kích ứng gây viêm.

Những cơn ho kéo dài thường gặp nhất là do kích ứng do viêm, nhưng nếu cơn ho kéo dài hơn 8 tuần, kèm theo các triệu chứng như sốt, khó thở, đờm chuyển màu xanh hoặc vàng, người bệnh cần đi khám để chụp X-quang lồng ngực hoặc kiểm tra dấu hiệu ung thư phổi, khí phế thũng (một dạng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) hoặc nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Live Science)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin