Nhiều người nhập viện mới biết mình bị huyết áp cao
Món ăn nào tốt và không tốt với bệnh tăng huyết áp?
Đi bộ hưởng ứng Ngày phòng chống tăng huyếp áp và AGE
Căn nguyên của bệnh tăng huyết áp
Hay đau đầu có phải do tăng huyết áp?
Theo điều tra gần đây của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh/thành phố của nước ta, tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%.
Trong đó có 52% không biết mình bị tăng huyết áp; 30% số người biết bị tăng huyết áp nhưng không điều trị; 64% số người biết bị tăng huyết áp, đã được điều trị, nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Ban quản lý dự án phòng, chống tăng huyết áp, nguyên nhân của tình trạng trên là do tồn tại 3 nghịch lý: Thứ nhất, tăng huyết áp là bệnh rất dễ phát hiện (bằng cách đo huyết áp khá đơn giản) nhưng người ta thường lại không phát hiện mình bị tăng huyết áp từ bao giờ; Thứ hai là tăng huyết áp là bệnh có thể điều trị được nhưng số người được điều trị không nhiều; Thứ 3 là tăng huyết áp là bệnh có thể khống chế được với mục tiêu mong muốn, nhưng số người điều trị đạt được “huyết áp mục tiêu” lại không nhiều.
Những nghịch lý này xuất phát từ nhận thức của nhân dân về sự thường gặp, về mức độ nguy hiểm của bệnh còn chưa đầy đủ và đúng mực. Việc điều chỉnh để có một lối sống hợp lý là vấn đề rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh tăng huyết áp nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không đơn giản vì những thói quen sinh hoạt không hợp lý đã tồn tại từ khá lâu và nhận thức của người dân cũng còn những hạn chế nhất định.
Người bệnh tăng huyết áp thường lại hay có nhiều bệnh lý khác đi kèm như: Béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… làm cho việc khống chế huyết áp càng khó khăn hơn.
Việc điều trị tăng huyết áp cần phải được thực hiện một cách liên tục và lâu dài, tuy nhiên trên thực tế nhiều người bệnh còn chưa thực hiện được đúng theo những nguyên tắc này, cũng có thể do người bệnh tự lầm tưởng là bệnh đã khỏi, hoặc do điều kiện kinh tế có khó khăn không tiếp tục mua được thuốc nữa, hoặc do một vài tác dụng phụ của thuốc gây ra đối với bệnh nhân,...
Như vậy, việc phòng, chống lại được “kẻ giết người thầm lặng” này phụ thuộc vào chính bản thân của mỗi người.
Theo đó, không chỉ khi xuất hiện các triệu chứng như: Đau đầu, chóng mặt, cảm giác “ruồi bay”, mặt đỏ bừng, ù tai,… mới đi khám bệnh mà cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ về tim mạch. Bởi đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước.
Ngoài ra, cần tuân thủ “vũ khí” hữu ích hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ thù thầm lặng này” – đó là 1 lối sống lành mạnh:
- Giảm cân nặng (nếu thừa cân).
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Không ăn nhiều chất béo bão hòa.
- Không ăn mặn (giảm muối trong khẩu phần ăn).
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Tránh lo âu, căng thẳng, nên tự tạo cho mình một cuộc sống thanh thản, vui vẻ.
- Kiểm tra thường xuyên số đo huyết áp của mình.
- Kiểm tra định kỳ các yếu tố nguy cơ khác (rối loạn đường máu, lipid máu…) để có thể kiểm soát kịp thời các yếu tố nguy cơ đó.
Bình luận của bạn