Tăng thuế thuốc lá: Vì sức khỏe cộng đồng

Tăng thuế thuốc lá giúp cắt giảm việc hút thuốc lá và tác hại của thuốc lá

Quốc hội nhất trí tăng thuế thuốc lá, rượu bia

Cơ thể "hồi sinh" từng phút sau khi bỏ thuốc lá

Tăng thuế thuốc lá, rượu bia sợ buôn lậu gia tăng?

Tăng thuế thuốc lá có giảm mức tiêu thụ?

Khói thuốc lá 'bẩn' như những nơi ô nhiễm nhất thế giới

Với những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe mà thuốc lá mang lại, nhiều đại biểu đề xuất đẩy nhanh lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng này cao hơn so với phương án Chính phủ trình.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn ngày càng gia tăng khó kiểm soát, giá bán của nhiều loại thuốc lá nhập lậu thấp hơn nhiều so với thuốc lá cùng loại sản xuất trong nước. Do đó, việc thực hiện lộ trình quá nhanh và tăng thuế suất cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thuốc lá trong nước.

Vì vậy, trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ lộ trình và mức tăng thuế suất đối với thuốc lá như Dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt để phòng, chống buôn lậu thuốc lá.

Sức khỏe người dân là trên hết

Trước đó, tại phiên thảo luận về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề tăng thuế đối với thuốc lá và rượu bia. Tuy nhiên số đông đại biểu cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ thuốc lá hiện nay là cần thiết nhằm giảm chi phí xã hội và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đại biểu Lê Khánh Nhung ủng hộ việc tăng nhanh thuế thuốc lá vì sức khỏe người dân

Phản bác lại những ý kiến thắc mắc về khó khăn với việc tăng thuế thuốc lá có thể gây gia tăng nạn buôn lậu thuốc lá, đại biểu Lê Khánh Nhung (Quảng Bình) nói: “Các ý kiến cho rằng, thuế tăng làm gia tăng buôn lậu là không thuyết phục. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy không có mối liên quan giữa việc thuế tăng và gia tăng buôn lậu. Chúng ta vừa tăng thuế, vừa phải tăng cường chống buôn lậu. Tăng thuế có thể làm cho các ngành sản xuất này sẽ khó khăn, nhưng chúng ta phải lựa chọn bởi bảo vệ sức khỏe con người cần thiết hơn”.

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết: “Tăng thuế thuốc lá là cách hiệu quả nhất để giảm sử dụng thuốc lá và bảo vệ cuộc sống. Hành động kiên quyết trong lĩnh vực thuế đánh vào ngành công nghiệp thuốc lá”.

Dẫn số liệu của WHO, nữ đại biểu cho rằng nếu đưa thuế suất tiêu thụ đặc biệt tăng 40% thì ảnh hưởng tăng giá bán lẻ chỉ khoảng một nửa. Trong khi nếu thuế tăng 10% thì  giá bán lẻ thuốc lá hầu như tăng không đáng kể. “Giá bán lẻ thuốc lá ở ta thuộc loại thấp nhất rồi, có tăng giá lên mới giảm được người hút”, bà Nhung nói.

Đại biểu Nhung còn cho rằng với thuốc lá, mức tăng thuế phải cao mới giảm được người tiêu dùng, Chính phủ chỉ đề nghị tăng từ 65-75% là quá thấp. “Năm 2013 thu thuế thuốc lá được gần 16.000 tỉ đồng, nhưng chi phí để chữa năm loại bệnh liên quan đến thuốc lá lên đến 23.000 tỉ đồng. Tôi đề nghị phải tăng mạnh thuế thuốc lá giai đoạn 2015-2017 từ 65-70%, nhưng từ năm 2018 phải tăng thật mạnh”.

Cùng chung với quan điểm này, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa- Vũng Tàu)… nhấn mạnh, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới, trong khi thuế thuốc lá, giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam vẫn ở nhóm thấp nhất thế giới.

Số người tử vong/năm vì thuốc lá sẽ tiếp tục tăng nếu như chúng ta không tiến hành các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn

Có nên chờ thuốc lá nhập lậu giảm?

Trên thực tế, nhằm tăng cường công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và giảm thiểu tử vong do thuốc lá đem lại, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực giảm tình trạng thuốc lá trên cả nước, tuân thủ theo Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá.

Năm 2013, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đa dạng hóa các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thông qua các loại tờ rơi, áp phích, tài liệu truyền thông, phóng sự, tin vắn trên truyền hình…; thúc đẩy và theo dõi việc cấm toàn diện các hoạt động quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; in cảnh báo sức khỏe trên bao bì các sản phẩm thuốc lá; tăng cường sự tiếp cận đối với dịch vụ cai nghiện thuốc lá; nhân rộng môi trường không khói thuốc lá; thúc đẩy hợp tác đa ngành và mạng lưới phòng, chống tác hại của thuốc lá; triển khai nghiên cứu theo dõi và đánh giá.

Ở Việt Nam, mức thuế hiện hành với thuốc lá chỉ ở mức 65% trên giá xuất xưởng (tương đương với 41,6% giá bán lẻ) và đã được duy trì cố định suốt 6 năm kể từ lần tăng thuế cuối cùng vào năm 2008. Mức thuế này khá thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Cả cộng đồng cần quan tâm và hưởng ứng các phong trào nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc

Vì vậy, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá phải tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018. Khi đó nguồn thu của Nhà nước từ thuế thuốc lá mới tăng lên đáng kể và sẽ làm giảm khoảng 1% người hút thuốc một năm. Hoặc trường hợp để giữ cho sức mua thuốc lá không tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cần tăng từ  65% lên 85% vào năm 2015 và tăng lên 105% từ năm 2018.

Và một công tác quan trọng nữa trong công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu tối đa những ca tử vong vì bệnh tật do thuốc lá gây nên, đó là làm thế nào để thay đổi môi trường, thay đổi hành vi, nhận thức trong mỗi con người để cả cộng đồng nhiệt tình ủng hộ và nói “Không” với thuốc lá. Đây là công tác thiết thực nhất nhưng có lẽ sẽ phải trường kỳ ở một nước như nước ta.

Thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới, 1,4% đối với nữ giới và tỷ lệ hút thuốc lá chung là 23,8 % (khoảng 15,3 triệu người); hiện có 67,6% người không hút thuốc lá (khoảng 33 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nhà và 49% người lao động không hút thuốc (khoảng 5 triệu người) bị hút thuốc thụ động tại nơi làm việc trong nhà.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế năm 2011, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi trên 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá (đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi…).
Vi Dũng H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ