Thanh Lam: "Tôi là một người giàu cảm xúc"
Diva Thanh Lam: Tôi vừa được "làm đầy"...
Thanh Lam: Tôi yêu sự cô đơn của mình
Năng lượng lớn cộng bản năng đàn bà đã làm nên một “người đàn bà hát” đúng nghĩa. Nhưng năng lượng quá lớn cộng bản năng đàn bà quá mạnh đôi khi đưa nàng vượt khỏi giới hạn thưởng thức âm nhạc của không ít khán thính giả… bình thường.
Năng lượng lớn cộng bản năng đàn bà đã tạo cho nàng một sức sống mãnh liệt mà bất cứ người đối diện nào cũng cảm nhận được. Nhưng, năng lượng quá lớn cộng bản năng đàn bà quá mạnh nhiều lúc biến người ta (không ngoại lệ là có cả nàng), thành một kẻ ích kỷ.
Thế nhưng, nàng vẫn khẳng định như đinh đóng cột, nếu thời gian quay ngược lại, nàng vẫn chọn sự ngông cuồng. Vậy, nàng có dám vượt qua, thậm chí là bất chấp, để sống trọn vẹn kiếp Thanh Lam?
Chưa bao giờ cha tôi nguôi lo lắng
Đầu tiên, xin được chia sẻ với chị về bệnh tình hiện tại của nhạc sĩ Thuận Yến. Gần như định mệnh, chị ra đời sau ca khúc “Chia tay hoàng hôn” và chị cũng là người thể hiện hay và sâu nhất ca khúc này. Có vẻ, sau cuộc “chia tay” đó là một Thanh Lam ngày càng xa vời vợi, so với kỳ vọng của một người cha hơi “cổ điển” thì phải…
Với tôi, cha không chỉ đơn giản là một người cha. Cha, bạn và thầy. Với người con gái thì cha là một sự gắn bó đặc biệt. Tôi học được từ cha mình rất nhiều điều, cả vô hình lẫn hữu hình, từ tư chất, nền tảng văn hóa, đam mê, tính cần mẫn chăm chỉ và cả dòng máu nghệ thuật chảy sẵn trong người…
Có thể nói, chính năng lượng lớn cùng những giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật đã đưa Thanh Lam lên vị trí số một bền bỉ trong các “Diva” nhạc Việt đương đại. |
Tôi đối xử với những ca khúc của cha cũng như bất cứ một ca khúc nào khác của các nhạc sĩ khác. Thực sự với tôi là không khác biệt bởi bài hát mới chính là vạch nối giao thoa giữa ca sỹ và nhạc sỹ. Hát có hay không còn do giữa họ có đồng cảm với nhau về mặt tâm hồn hay không.
Một người con trong gia đình luôn bị ảnh hưởng bởi cha mình, bởi sự di truyền từ nòi giống và lối sống của cha mẹ mình. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, nhưng những điểm chung thì vẫn giống và ảnh hưởng tới cốt lõi của con người. Thanh Lam có sự ngông cuồng bên ngoài, còn thẳm sâu bên trong, thì ai cũng thấy một Thuận Yến khác, nghiêm khắc khi lao động nghệ thuật.
Cha tôi yêu cô con gái nhỏ của mình bằng một tình thương kỳ lạ, vì luôn luôn sợ bị mất đi. Rõ ràng cũng mang dòng máu của mình, nhưng đứa con vẫn là một cá thể hoàn toàn riêng biệt, nó chỉ tách ra từ một phần thân thể của người mẹ, và dường như luôn độc lập tương đối với cha. Biến mất, không liên hệ là những từ ám ảnh mơ hồ của mọi người cha khi nghĩ về con.
Có lẽ, vì cha thương quá, cưng chiều quá, nên Thanh Lam càng ngày càng sống theo bản năng của mình, mặc cho cha lo lắng đến cỡ nào?
Chưa khi nào cha tôi nguôi lo lắng. Mối tình đầu của tôi đến và đi trong sự cực lực phản đối, cấm cản của cha tôi. Ông biết thế nào mới là người đàn ông tốt cho con gái mình, nhưng tình yêu vẫn là một điều gì như số mệnh, và khi nó đến thì ta khó lòng toan tính chuyện được – mất hay lảng tránh, chứ đừng nói đến từ bỏ.
Khi còn trẻ, tôi luôn luôn tin và làm theo bản năng của mình. Tuy nhiên mỗi khi vấp ngã trong đời sống thì tôi nhìn lại, rút kinh nghiệm. Có một điều chắc chắn tôi thấy là những trải nghiệm với thời gian sẽ khống chế được bản năng của mình. Sự thông minh nhất của một con người đó là họ nhìn thấu được chính bản thân mình.
Xin lỗi chị về một câu hỏi rất thẳng thắn. Việc chị có con lần đầu tiên ở tuổi 18, hẳn bố giận dữ lắm?
Tôi có thể hỏi ngược lại: Dù cho điều gì đã xảy ra chăng nữa, liệu ai có thể tức giận và chối bỏ những người mình yêu thương được hay không?
Và rồi, khi sóng gió nhất, thất bại nhất, “người đàn bà thông minh” lại nhỏ bé về núp trong sự che chở của người cha ư?
Dù có đi đâu, làm gì, dù nổi tiếng bao nhiêu đi chăng nữa, gia đình vẫn mãi mãi là điểm tựa bình yên nhất của mình. Hồi trẻ mình tôi cầu cứu những người xung quanh vì sự tan vỡ lúc đó là quá lớn. Nhưng bây giờ thì nỗi buồn của mình không còn cần chia sẻ nhiều như trước nữa. Tôi đối diện với nó. Hoặc tìm tới những người bạn.
Tôi làm nên số phận của tôi
Những người sống nổi loạn thường không thích nhìn lại. Một phần trong số họ, là không muốn đối diện với những tổn thương của những người thân do chính sự nổi loạn của họ gây ra. Chị có như thế không?
Mọi thứ trong cuộc sống này đều là sự tương đối, nếu quả thực có chữ mãi mãi thì đó chính là tình phụ tử. Trong một gia đình, cha mẹ yêu con, họ yêu cả những ưu điểm, khuyết điểm của đứa con mình, tôi cũng đâu ngoại lệ. Cha tôi đã yêu và tha thứ cả những lỗi lầm của con mình. Đó là tình yêu vĩnh cửu nhất. Điều này, làm tôi thanh thản.
Người ta thường ân hận với một ai đó, khi họ không còn cơ hội để nói một điều gì đó, với người đó. Giờ đây, trí nhớ dần rời bỏ đấng sinh thành, hẳn chị vẫn còn rất nhiều điều muốn nói với cha, mà còn khá ít cơ hội?
Thật khó có thể chống lại quy luật của tự nhiên. Đôi khi tôi vẫn tin vào số mệnh, và cố gắng để chuẩn bị cho điều tất yếu sẽ xảy ra. Cưỡng cầu hay hoài tiếc chỉ khiến cho vấn vấn đề thêm bi lụy.
Điều gì tốt đẹp nhất tôi có thể làm cho cha mẹ mình, tôi đã làm bằng cả dòng máu trong tim. Thực ra, trong cuộc sống của mình, sự bấp bênh đã tạo nên định mệnh một con người. Đó là những khoảng trống khắc khoải, để khi tôi hát, tìm thấy chân trời rộng mở, được thả hết vào đó những khát vọng, ước mơ của mình. Bấp bênh là nơi bình yên nhất trong lòng tôi.
Người phụ nữ sống nổi loạn nhất cũng là người cô đơn nhất, người đa đoan nhất. Không lẽ, chị phải trả một cái giá đắt như thế sao, khi để được sống là chính mình?
Tôi chạm vào cảm giác cô đơn khi tầm 17, 18 tuổi. Nỗi cô đơn mang màu sắc chết chóc, và lo sợ mơ hồ một ngày nào đó nếu bố mẹ chẳng may… ra đi, thì mình chẳng biết phải xoay xở thế nào. Như tuổi tác của người đàn bà, nỗi cô đơn cũng biết trưởng thành. Có lúc tôi sợ cô đơn đến ghét cay ghét đắng nó, đến vật vã đau khổ vì nó. Mãi đến giờ mới hiểu ra rằng cô đơn đồng hành với người nghệ sĩ như điều tất yếu. Nó đến như một nỗi đau ngọt ngào nhất, nó cho ta nếm trải những khoảnh khắc lặng lẽ để trải nghiệm về chính bản thân ta và cuộc sống. Tôi yêu sự cô đơn của mình.
Nghe chị diễn tả cô đơn mà như thể ám chỉ về tình yêu vậy…
Tôi đến với tình yêu chưa bao giờ toan tính, mà đúng là phải có duyên mới gặp, phải nặng nợ mới đi chung cùng nhau một đoạn đường, còn dài thế nào là do phận. Nhưng khi người đàn ông gặp người đàn bà, tựa như hai cái móc, chúng móc vào nhau và lớn dần lên theo thời gian cùng sự giao cảm, thấu hiểu lẫn nhau. Tình yêu của cô thiếu nữ và người đàn bà cũng mang màu sắc, biểu hiện khác nhau lắm.
Tôi muốn kết thúc bài phỏng vấn với chị bằng âm nhạc. Âm nhạc không Quốc Trung, không Lê Minh Sơn, chỉ là Thanh Lam thôi!
Lúc này đây, không có những nhân vật kia thì có những người khác. Ví dụ, tôi đang triển khai dự án “Hương xưa” là sự hợp tác mới giữa tôi và Tùng Dương, dự định sẽ hoàn thiện và phát hành vào đầu năm 2012. Trên nền nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng sẽ phối khí lại những nhạc phẩm còn mãi với thời gian như: Kiếp nào có yêu nhau; Dư âm; Cô đơn; Hoài cảm… của các nhạc sỹ nổi tiếng như Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9, Phạm Duy…
Vậy Thanh Lam hiện tại thấy cần ai hơn? Một ông chồng hay một người tình?
Hạnh phúc hoàn hảo nhất của người đàn bà là có một người bạn đời, chia sẻ với nhau như hai người bạn, lãng mạn với nhau như hai người tình và độ lượng với nhau như người cha. Thật khó để trả lời là tôi cần ai hơn, vì đỉnh cao của tình yêu là sự dung dị.
"2 tuổi, tôi có thể ngồi im hàng giờ nghe mẹ hát, 3 hay 4 tuổi gì đó, tôi đã đứng trên sân khấu. Hát như ở trong máu mình vậy, nên tôi cũng chưa khi nào dành thời gian suy nghĩ. Cũng là một lẽ tự nhiên khi cha đưa tôi vào đội thiếu nhi Chim sơn ca – Đài tiếng nói Việt Nam, bởi ông là nhạc sĩ và ông “nghe” được “giọng” của tôi đủ để hát. Đến giờ kỷ niệm đẹp trong tôi vẫn là những lần hai bố con đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch, ràng buộc hỗn độn nồi niêu, xoong chảo, gạo nước lên Phố Yên sơ tán, hoặc những tối, ngêu ngao hát giữa đường vắng"... |
Bình luận của bạn