Thử nghiệm vaccine ung thư phổi đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA

Một liều vaccine BNT116 điều trị ung thư phổi đầu tiên được thử nghiệm tại một cơ sở nghiên cứu lâm sàng ở London, Anh - Ảnh: PA/Getty Images.

Vaccine mRNA hứa hẹn tiềm năng chống bệnh truyền nhiễm và ung thư

Việt Nam được WHO chọn để tiếp nhận công nghệ vaccine mRNA

Công nghệ vaccine mRNA giành giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture

Những tiến bộ từ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư phổi

Yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi biểu mô tuyến

Theo Global News, vaccine mRNA có tên BNT116, do công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển, đã trở thành loại vaccine điều trị ung thư phổi đầu tiên trên thế giới bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Theo kế hoạch, vaccine này đã được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại 34 địa điểm thuộc 7 quốc gia gồm: Anh, Mỹ, Đức, Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Mỹ, 3 địa điểm hiện đang tuyển bệnh nhân, tiếp nhận những người ở cả giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của bệnh.

Vaccine BNT116 được thiết kế để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), dạng phổ biến nhất của căn bệnh này.

"Ung thư phổi là căn bệnh gây ra tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới. Và khi sử dụng công nghệ mRNA để làm vaccine, đây chỉ mới là thế hệ đầu tiên. Nhưng hy vọng rằng đây là sự khởi đầu và nó có thể mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân ung thư phổi trên toàn thế giới, không chỉ ở Vương quốc Anh mà còn ở những nơi khác như: Canada, Mỹ và Trung Quốc", bác sĩ ung thư học Siow Ming Lee, tại Cơ sở nghiên cứu lâm sàng của Bệnh viện Đại học London (UCHL), đơn vị đang dẫn đầu thử nghiệm tại Vương quốc Anh, cho biết.

Bác sĩ Lee nói thêm vaccine hoạt động bằng cách xác định và nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư, và được thiết kế để bổ sung cho các phương pháp điều trị ung thư phổi khác, chẳng hạn như hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra, vaccine này cũng được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả ung thư tái phát, điều xảy ra với nhiều bệnh nhân ung thư phổi.

Theo Global News, tại Canada, ung thư phổi là loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Phổi Canada dự báo, hơn 20.000 người Canada có nguy cơ tử vong vì ung thư phổi trong năm nay — nhiều hơn tổng số ca tử vong do ung thư vú, tuyến tiền liệt và ruột kết cộng lại.

Căn bệnh này cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới, với 1,8 triệu ca tử vong vào năm 2020, chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở cả nam và nữ.

Mặc dù các phương pháp điều trị như hóa trị, liệu pháp miễn dịch, phẫu thuật và xạ trị đã có sẵn, nhưng ung thư phổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển, khiến ít lựa chọn điều trị hơn, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, theo bác sĩ Lee, khi vaccine điều trị ung thư phổi với công nghệ mRNA ra đời, sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu và chống lại các tế bào ung thư phổi.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Global News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin