Một loại thuốc tẩy trắng được quảng cáo là hàng xách tay (ảnh minh
họa)
Ê răng vì... làm đẹp
Mang khuôn mặt thiểu não đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, chị Nguyễn Thu Trang (Lạc Long Quân, HN) tìm đến bác sỹ để xin chữa răng vì bị tổn thương nghiêm trọng do tác động của việc dùng thuốc tẩy trắng.
Chị Trang cho biết, tham gia trên một diễn đàn thấy nhiều thành viên chia sẻ cách làm trắng răng nhanh bằng một loại thuốc tẩy trắng được giao bán trên mạng chị liền mua về sử dụng. Qua một thời gian sử dụng bên cạnh việc răng được trắng lên trông thấy thì đi kèm nó là tình trạng răng ê buốt, nhức nhối khi ăn uống và uống nước lạnh. Tình trạng kéo dài đã khiến cho chị cảm thấy bất tiện và buộc phải tìm đến bác sỹ chuyên khoa.
Kết luận của bác sỹ chuyên khoa cho biết, răng chị Trang đang trong tình trạng "hỏng", với sự bào mòn của thuốc tẩy trắng ở nồng độ cao. "Bác sỹ nói tẩy trắng răng chỉ dùng cho hàm răng khỏe mạnh, không sâu, không rạn…mới an toàn và hiệu quả. Mình đâu có biết, thấy trên diễn đàn nói tẩy trắng nhanh là mua về dùng, ai ngờ đâu là nó tác hại đến thế", chị Trang nói.
Ở một trường hợp khác, anh Vũ Xuân Tiến (Thạch Thất, HN) cũng cho biết, do mặc cảm với hàm răng đen xỉn do hồi bé uống quá nhiều thuốc tetracycline nên anh đã tự đi mua thuốc tẩy trắng răng tại nhà thuốc tư nhân. Anh vốn bị mòn cổ răng, nên chất tẩy đã đi qua khe nứt, tấn công vào bên trong răng, gây cảm giác ê buốt ngày càng tăng. Tình trạng này có thể dẫn đến chết tủy.
Chị Nguyễn Thúy Hồng (Thái Nguyên) cũng đi tẩy răng tại một phòng khám nha khoa tư nhân do không hài lòng với hàm răng quá vàng. Sau khi tẩy, răng chị có trắng hơn nhưng lợi bị tụt, trông rất xấu. Chị phải đến Viện Răng hàm mặt với hy vọng phục hồi lợi và công cuộc phục hồi thật mất thời gian và tiền bạc. "Chắc tôi cạch đến già!", chị Hồng nói.
Thuốc tẩy trắng răng được bán tràn lan trên
mạng
Thuốc tẩy trắng răng: mua đâu cũng có
Tẩy trắng răng đang là nhu cầu thẩm mỹ của nhiều người, nắm được nhu cầu đó, nhiều "nhà sản xuất" đã tung ra thị trường nhiều loại thuốc tẩy trắng răng với đủ mẫu mã, giá cả. Hiện, trên thị trường tràn ngập các loại thuốc tẩy trắng răng từ hàng ngoại nhập, hàng sản xuất trong nước đến hàng xách tay, trôi nổi không rõ nguồn gốc…
Không chỉ bệnh viện, phòng khám nha khoa, cửa hàng bán dụng cụ y khoa, tiệm thuốc tây mà ngay cả sạp mỹ phẩm, tạp hóa ở một số chợ tại Hà Nội cũng bán thuốc tẩy trắng răng dạng bột, kem, gel hay loại dán trực tiếp vào răng được quảng cáo hàng Nhật, Thái Lan "hiệu quả chỉ sau năm phút sử dụng", giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Phần lớn miếng dán tẩy trắng răng là hàng Trung Quốc.
Lần theo một địa chỉ bán thuốc tẩy trắng răng trên mạng, chủ shop đã không tiếc lời quảng cáo về tính hiệu quả "ngay lập tức" của sản phẩm. Trong một loạt các ưu điểm của thuốc tẩy trắng răng, chủ shop này không dành một lời nào nói về cảnh báo cho người sử dụng, dù vẫn biết không phải ai dùng thuốc tẩy trắng cũng được như ý.
Tại một cửa hàng chuyên bán đồ mỹ phẩm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN), PV được chủ cửa hàng mỹ phẩm giới thiệu nhiều sản phẩm thuốc tẩy trắng răng mà theo chị quảng cáo là nhập từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc… giá từ 180.000đ - một triệu đồng/tuýp. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc hàng nhập sao không có thông tin đơn vị nhập khẩu, nhãn phụ tiếng Việt hướng dẫn cách sử dụng, chị này liền giải thích: "Hàng do người nhà xách tay về nên cứ yên tâm". Các loại thuốc chủ cửa hàng giới thiệu trên nhãn chỉ ghi chung chung toàn tiếng Anh "Natural White, 5 minute Whitening, Tooth Whitening System…".
Theo bác sỹ nha khoa Lê Thanh Sơn (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương), hiện nay cùng với việc mua bán phổ biến thuốc tẩy trắng răng và cách dùng vô tội vạ của người tiêu dùng không qua thăm khám, tư vấn của bác sỹ chuyên khoa sẽ rấ dễ dẫn đến những hệ quả xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe.
"Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cũng đã ghi nhận không ít những trường hợp bệnh nhân đến thăm khám sau khi sử dụng thuốc tẩy trắng răng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng và không đúng cách. Hầu hết những người này chỉ "nghe nói" rồi tự mua về dùng mà không chịu tìm hiểu hay tham vấn bác sỹ. Chỉ đến khi có hệ quả xấu mới đi chữa trị...", bác sỹ Sơn nói.
Bình luận của bạn