Thương hiệu An Phước - Pierre Cardin: Đường kim mũi chỉ dệt thành công

TGĐ Nguyễn Xuân Đình: Tâm tạo thế

TGĐ Trần Quí Thanh: 19 năm qua chỉ là làm nháp!

TGĐ Hoàng Ngọc Vy: “Gia đình là nơi tôi lấy lại cân bằng"

TGĐ Sơn Kim: Thành công đến từ một tập thể

TGĐ Vietnamcacao: Kỳ vọng tạo nên kỳ tích

- Hẳn không ít người đã băn khoăn tự đặt ra câu hỏi, tại sao An Phước - Việt Nam lại gắn liền với Pierre Cardin - một thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới từ những năm 1954. Mối quan hệ giữa An Phước và Pierre Cardin thế nào? Phải chăng An Phước đã thành công chính nhờ vào tên tuổi của Pierre Cardin?

Đem những câu hỏi này trao đổi với "nữ tướng" An Phước - Pierre Cardin, nữ doanh nhân dịu dàng "kể chuyện": "Khi mới thành lập năm 1992, chúng tôi chỉ là một cơ sở nhỏ chuyên may gia công xuất khẩu cho Nissho Iwai, Itochu, Minoya... là những công ty thời trang hàng đầu của Nhật Bản. Người Nhật vốn cẩn trọng tỉ mỉ, do vậy yêu cầu về chất lượng đối với sản phẩm của họ rất cao. Tuy nhiên, bước "đột phá phải tính từ năm 1997, mà nói như bây giờ là " trong nguy có cơ". Lúc đó, kinh tế khu vực Đông Nam Á bị khủng hoảng, các đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng rõ rệt. Làm thế nào để duy trì công ty, đảm bảo đời sống cho công nhân viên là câu hỏi lớn đối với ban lãnh đạo. Vì vậy, "đàm phán mua bản quyền, khai thác thương hiệu thời trang quốc tế Pierre Cardin là một quyết định táo bạo khi ấy. Nhưng An Phước có được thương hiệu Pierre Cardin phần nào cũng là do duyên may".

- Nhưng đến ngay cả bây giờ sản phẩm của Pierre Cardin cũng là sản phẩm kén khách. Vậy lúc đó, công ty làm thế nào để thứ đồ hiệu xa xỉ này triển khai được đến khách hàng?

Đúng vậy, vào thời điểm năm 1997, mỗi chiếc sơ mi mang thương hiệu Pierre Cardin có giá khá cao so với mức sống của đại bộ phận người dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định "dấn" thêm một bước là khai thác song song thêm nhãn hàng tại thị trường nội địa với thương hiệu An Phước nhằm hỗ trợ chi phí đầu tư thương hiệu Pierre Cardin. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, với sự cẩn trọng trong từng đường kim mũi chỉ, chi tiết với từng sản phẩm, công ty đã khẳng định mình với dòng sản phẩm thời trang cao cấp thể hiện sự sang trọng, lịch lãm, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng cùng với những gam màu đầy cá tính.

- Việc một DN tư nhân chuyên gia công hàng dệt may dám mua bản quyền thương hiệu của một hãng thời trang Pháp nổi tiếng thế giới được cho là "liều", và việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn không phải dễ, vậy dấu ấn An Phước - Việt Nam thể hiện ở sản phẩm "như tây" ra sao?

Thí dụ, tối thiểu một sản phẩm sơ mi Pierre Cardin có giá 35 USD trên toàn cầu. Đi Pháp hay qua Thái Lan, Singapore… cũng mua chiếc áo với giá như thế. Nhưng chất Việt, dấu ấn An Phước là trung thực trong từng đường kim, mũi chỉ. Sự trung thực này quan trọng. Vì ông Pierre dư tiền nên không quá chú trọng chuyện tiền mà cần giữ gìn tên tuổi. Đó là một sứ mệnh.

- Phong cách Pierre Cardin được An Phước gìn giữ ra sao tại chuỗi cửa hàng?

Cửa hàng cũng phải theo mẫu gốc. Đối với người nước ngoài, đơn giản, ít, không luộm thuộm. Bởi theo họ, rối thì không sang. Ông Cardin còn đến xem cửa hàng chúng tôi để tận mắt kiểm tra xem chấp hành có đúng không. Thậm chí, chúng tôi còn phải chú ý cả cách bày cái điện thoại ở đâu, sao cho không rối.

- Còn áo quần, sản phẩm, có đặc trưng gì Pierre Cardin?

Mẫu mã của Pierre Cardin hơi cổ điển, bởi ông quan niệm cổ điển sẽ không bao giờ lỗi mốt, cho dù thời trang là phá cách. Sản phẩm mua bản quyền là dành cho nam, ở độ tuổi 30 - 40 thuộc giới văn phòng, doanh nhân.

- Sau gần 20 năm, theo bà làm hàng hiệu Pierre Cardin có khó không?

Chất liệu vải quyết định tới 40%. Có điều là càng đơn giản càng khó may. Nếu là một áo jacket chẳng hạn, phía trong còn có một lớp. Những đồ phức tạp có khi kết miếng nhỏ, nối lồng, lỗi che được phía trong. Sơ mi đơn giản nhưng ăn nhau "mặt tiền", cổ phải vừa vặn không khó chịu. Chỉ bung xì một tí là thấy ngay.

Chúng tôi có sản phẩm độc quyền tại Đông Dương, đăng ký sở hữu bản quyền An Phước tại Australia. Những hàng cho Việt kiều Australia thì đơn giản. Khó là Nhật. Đường kim mũi chỉ rất kỹ, dù kiểu dáng không phá cách lắm. Đức cũng kỹ. Kiểm hàng từng cái. May cho Mỹ thì đòi chất lượng, rẻ, số lượng nhiều. Tôi được nhận làm cho Pierre Cardin cũng vì học được "tính kim chỉ" kỹ càng khi làm hàng cho Nhật. Muốn lấy tiền của Nhật: may nghiêm túc sẽ có tiền.

- Vậy còn thương hiệu An Phước thì sao, thưa bà?

Tôi tự tin nhất là sơ mi, quần, đồ vest. Đặc biệt, đồ vest của An Phước phải may tay khá nhiều chứ đâu bỏ mặc cho máy móc hết. Nhiều người trong ngành nhìn đường kim mũi chỉ như may đo, bảo: tỉ mỉ thế sao ăn? Nhưng chúng tôi chú tâm ngay từ đầu. Sẽ không có cái thứ hai lặp lại đâu, có rủi ro đấy. Cho nên cẩn trọng kỹ lưỡng trong từng hành vi. Hài lòng nhất là được khách hàng tín nhiệm và An Phước đã là một thương hiệu tầm cỡ quốc gia.

- Trước đây, bà đã từng du học ở Nhật và Singapore về quản trị. Giờ đây trong lúc bận rộn và khó khăn này, bà vẫn tiếp tục học và vừa hoàn thành xong chương trình thạc sỹ ?

Học cả đời mà. Tôi học để được cập nhật thông tin và phương pháp mới. Trước đây mở Cty, cắm đầu làm; nay là tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quản lý thương hiệu...12 môn học phục vụ DN.

- Vậy có lúc nào bà nghĩ mình sẽ tạm dừng nghiệp kinh doanh để trở về làm người phụ nữ của gia đình?

Kiến tha lâu sẽ đầy tổ. Làm lãnh đạo phải kiên nhẫn và không nản lòng trước gian khó. Con thuyền DN chở biết bao nhiêu cộng sự, nếu người chèo lái nản lòng buông xuôi thì con thuyền sẽ dễ chìm. Vì vậy, tôi không cho phép mình ngừng. Ngày nào còn sức khỏe, tôi còn làm việc và còn đam mê.

Hơn nữa, người đầu tàu phải làm gương. Bản thân mình không cưỡi ngựa xem hoa mà phải lao động vất vả cùng công nhân. Đồng thời phải có sự quan tâm chia sẻ và đồng cam cộng khổ với công nhân. Khi công nhân thấy mình quan tâm đến họ thì họ mới "sống chết" với Cty.

- Chị tự đánh giá thành công của mình ở mức nào?

Dù đã là một thương hiệu quốc gia, một DN với hơn 4.000 cán bộ nhân viên, những cố gắng của mình đã được xã hội công nhận, nhưng chúng tôi vẫn chỉ đang ở giai đoạn kiếm đủ tiền để tái sản xuất, chưa thật giàu.

Tôi chưa bệnh, còn khỏe. "Vô sản" nên đêm nằm xuống ngủ liền. Còn nhiệt huyết. Tôi thường đùa người hay cáu giận: "da dẻ nhăn lại kìa". Người ta mất tiền lớn để làm thẩm mỹ "ủi giãn ra" không được, sao mình lại cứ cau có vào.

- Xin cảm ơn bà.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện