TP HCM: Gần 1/3 công nhân các KCN-KCX suy dinh dưỡng

15% kiệt sức

Chưa dừng lại ở suy dinh dưỡng, tình trạng bệnh tật trong công nhân do môi trường lao động ô nhiễm, không an toàn, áp lực công việc nặng nhọc ngày càng gia tăng. Một cuộc khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM vừa công bố cho thấy, trong số 1.000 công nhân nghề may, có đến 93% đuối sức sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 17% nặng đầu, nhức đầu; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai.

Còn theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM, qua công tác khám sức khỏe định kỳ, phát hiện gần 30% người lao động có sức khỏe kém và rất kém. Tuy nhiên, theo BS Huỳnh Tấn Tiến, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM, con số này quá ít so với thực tế bởi đại bộ phận công nhân không được khám sức khỏe định kỳ.

Công nhân cần có bữa ăn hợp lý dinh dưỡng và được khám sức khỏe định kỳ.
Công nhân cần có bữa ăn hợp lý dinh dưỡng và được khám sức khỏe định kỳ.

Trong các loại bệnh tật mà công nhân thường mắc, phải kể đến bệnh đường hô hấp. Theo bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội hô hấp TPHCM, công nhân may phải tiếp xúc, hít nhiều loại sợi đay, gai, bông… trong quá trình sản xuất nên nguy cơ mắc bệnh bụi phổi rất lớn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là tức ngực, khó thở, ho. “Nếu không can thiệp kịp thời, khi đã chuyển sang giai đoạn mạn tính thì không thể điều trị dứt bệnh mà chỉ điều trị phòng ngừa”, bác sĩ Lan cho biết. Theo các chuyên gia y tế, công nhân mắc các bệnh nghề nghiệp không gây chết người ngay mà để lại tác hại lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Cũng có một số doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Tuy nhiên theo Sở LĐTB-XH TPHCM, việc khám sức khỏe hầu hết chỉ qua loa, đối phó, không tuân thủ các danh mục khám theo quy định đối với từng ngành nghề. Trong khi, tăng ca, làm việc quá sức, căng thẳng, thiếu sân chơi bổ ích… khiến 93% công nhân mệt mỏi sau lao động. Bác sĩ Đinh Quang Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, cho biết, lao động công nhân đang gánh chịu nhiều nguy cơ bệnh tật do áp lực công việc. Theo bác sĩ Thanh, trong số 1.700 bệnh nhân khám ngoại trú tại bệnh viện, gần 1.000 trường hợp đến khám thần kinh cơ xương khớp, thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống lưng, trong đó 50% là công nhân, người lao động phổ thông. Qua nghiên cứu của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, tỷ lệ công nhân làm các công việc đơn điệu bị mệt mỏi nhiều hơn nhóm làm công việc đa dạng. Công nhân làm trực tiếp như ngồi cố định, chuyền máy thường mệt hơn công nhân làm việc gián tiếp như cán bộ kỹ thuật, quản lý. Công việc đơn điệu dễ gây ra stress, cảm giác buồn chán, mất hứng... khiến họ dễ mắc bệnh hơn.

Thiếu dinh dưỡng

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, một cuộc khảo sát dinh dưỡng mới đây trong gần 1.000 công nhân thì có đến 29,6% suy dinh dưỡng. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu vitamin nhóm B, 20% công nhân bị thiếu máu và hơn 70% thiếu iốt. “Tình trạng suy dinh dưỡng trong công nhân đã đến mức báo động, nhất là công nhân trong các KCN-KCX”, BS Diệp nói. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo BS Diệp, do đời sống công nhân thấp và thiếu kiến thức về dinh dưỡng. Công nhân phải làm việc nặng nhọc, thường xuyên tăng ca, làm đêm, nếu không có chế độ ăn uống đủ chất dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, bệnh tật, giảm sút sức lao động và chất lượng sống. Nguy hiểm hơn đối với công nhân nữ mang thai, nếu suy dinh dưỡng dễ sinh non, thai nhi yếu, dị tật.

Theo Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường TPHCM, thành phố có khoảng 150.000 doanh nghiệp, 200.000 cơ sở sản xuất nhỏ và vừa với trên 2,5 triệu lao động. Trong đó có đến 72% doanh nghiệp đang hoạt động có nguy cơ công nhân mắc bệnh nghề nghiệp nhưng chỉ 34% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân.

“Qua tìm hiểu từ phần thi trắc nghiệm “Bữa ăn hợp lý và an toàn” do chúng tôi phát động, rất nhiều công nhân không trả lời đúng những kiến thức dinh dưỡng cơ bản. Chỉ 25% công nhân trả lời đúng tuyệt đối”, bác sĩ Diệp nói. Nhiều công nhân trong nhóm người bị hụt dinh dưỡng cho rằng, nguyên nhân khiến họ ngày càng gầy đi là do tâm lý “làm về mệt quá không muốn ăn” hoặc “không biết ăn thế nào cho đủ chất”. Công nhân làm việc ở các xí nghiệp tư nhân thì cho rằng, suất ăn tập thể không giúp họ đủ no. Số khác lại cho rằng, thu nhập thấp ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện ăn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với tình hình kinh tế khó khăn, đồng lương ít ỏi, công nhân đang thắt lưng buộc bụng nên nguy cơ thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng sức khỏe rất lớn, nhất là công nhân nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ có thể ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Trong khi đó, theo Trung tâm Sức khỏe Lao động và Môi trường TPHCM, mặc dù nhiều công nhân bị ảnh hưởng sức khỏe nghề nghiệp nhưng hầu hết chủ cơ sở chưa quan tâm đến môi trường lao động và an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân. Quy định bắt buộc cơ sở sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ít nhất mỗi năm một lần, để phát hiện dấu hiệu người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, từ đó có hướng can thiệp, nhưng rất ít doanh nghiệp thực hiện”.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp