Trẻ bị viêm phổi nên làm gì để nhanh khỏi, không tái phát?

Trẻ bị viêm phổi thường bị sốt, ho, khó thở

Thuốc lá điện tử có thể "tàn phá" hệ miễn dịch và gây viêm phổi?

Trẻ bị viêm phế quản: Điều trị thế nào, chăm sóc ra sao?

Trẻ bị viêm phế quản có cần dùng thuốc kháng sinh?

Ho + 7 dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm phổi nguy hiểm

Viêm phổi có thể phát triển sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Bệnh có thể được gây ra bởi một số virus và vi khuẩn. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, một loại virus gọi là virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi. 

Làm sao để nhận biết trẻ bị viêm phổi?

Viêm phổi có thể phát triển nhanh chóng trong 1 hoặc 2 ngày, hoặc sau vài ngày. Ho thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên. Hãy đưa bé đi khám ngay nếu: 

- Trẻ bị ho nặng và ho ra đờm đặc màu vàng, xanh lá cây, nâu hoặc có máu. 
- Trẻ có vẻ ốm yếu.
- Trẻ không muốn ăn.
- Trẻ bị sốt, đổ mồ hôi và run rẩy. 
- Trẻ bị khó thở, thở nhanh, thở gấp, thở khò khè.
- Xương sườn của trẻ bị rút vào khi thở.
- Trẻ uống ít nước, uống ít hơn một nửa so với bình thường trong 24 giờ.
- Môi và móng tay của trẻ có màu xanh. 

Điều trị viêm phổi ở trẻ như thế nào? 

Viêm phổi do vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Viêm phổi do virus sẽ tự khỏi khi hệ thống miễn dịch của trẻ chống lại virus. Vì khó có thể nhận biết viêm phổi do vi khuẩn hay do virus nếu không được xét nghiệm, nên bác sỹ thường kê đơn thuốc kháng sinh. 

Trẻ bị viêm phổi cần được đưa đi khám ngay để bác sỹ điều trị

Trẻ bị viêm phổi nhẹ có thể được theo dõi tại nhà. Nếu bị viêm phổi nặng, trẻ phải nằm viện để được bác sỹ, y tá theo dõi thường xuyên. Thời gian nằm viện bao lâu tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi. 

Bạn có thể thử những cách sau để giúp giảm bớt sự khó chịu cho trẻ:

- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
- Cho trẻ dùng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt. Nên hỏi ý kiến bác sỹ, dược sỹ về loại thuốc và liều lượng thuốc phù hợp. 
- Trẻ dễ bị mất nước nếu đường hô hấp bị tắc nghẽn và ho gây khó nuốt. Cho bé bú nhiều hơn (nếu bé còn bú mẹ) hoặc bú bình nhiều hơn. Nếu bé đã ăn dặm, hãy cho bé uống thêm nước. 
- Đừng cho trẻ dưới 6 tuổi uống thuốc ho và cảm lạnh không kê toa, tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Đưa trẻ đi khám lại ngay, nếu: 

- Các triệu chứng của trẻ không cải thiện trong vòng 48 tiếng kể từ khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh.
- Trẻ bị sốt cao hơn.
- Trẻ quấy khóc, mệt mỏi nhiều hơn.
- Trẻ cố gắng để thở.

Nên làm gì để phòng ngừa viêm phổi cho trẻ? 

- Tiêm vaccine ngừa phế cầu khuẩn (PCV) bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu (ngộ độc máu). Vaccine Hib, bạch cầu và ho gà cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm phổi. 

- Vệ sinh sạch sẽ: Che mũi và miệng khi ho. Rửa tay cho bé sạch sẽ, thường xuyên để ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh. 

- Tránh khói thuốc lá: Những em bé sống trong môi trường có khói thuốc lá thường dễ bị viêm phổi, cảm lạnh, hen suyễn và viêm tai giữa. Đây là một trong những lý do mà bạn nên tránh hút thuốc lá khi có mặt trẻ em.

Vân Anh H+ (Theo babycentre.co.uk)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ