Thiếu sắt khiến trẻ mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên...
Đa số trẻ bị thiếu sắt thường biểu hiện ở hình thức giảm dự trữ sắt trong cơ thể, chỉ một số trường hợp thiếu sắt nặng sẽ trở thành thiếu máu thiếu sắt. Việc phát hiện thiếu sắt sớm, trước khi có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ vì sắt có vai trò quan trọng đối với tất cả tế bào trong cơ thể, trong đó có cả não.
Theo bác sỹ Hậu, một trong những hậu quả nghiêm trọng của thiếu sắt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trí thông minh và hành vi. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trẻ thiếu sắt càng nhiều và càng lâu thì trí thông minh càng kém, sự phát triển vận động càng chậm chạp. Có một số nghiên cứu cũng cho thấy một số khiếm khuyết trong phát triển nhận thức do thiếu sắt có thể sẽ không hồi phục được với điều trị bổ sung sắt và có thể tồn tại đến 10 năm sau khi đã bổ sung sắt đầy đủ.
Một hậu quả khác của thiếu sắt là nguy cơ hấp thu chì từ đường tiêu hóa tăng cao, dẫn đến ngộ độc chì. Các nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học cho thấy, có sự liên quan giữa thiếu sắt và nồng độ chì trong máu cao. Môi trường sống của chúng ta bị ô nhiễm chì khá cao, do đó những đứa trẻ bị thiếu sắt sẽ có nguy cơ ngộ độc chì cao nhất. Ngộ độc chì là một tổn thương nguy hiểm cho hệ tạo máu và hệ thần kinh, gây ra những hậu quả không hồi phục.
Nguyên nhân thiếu sắt
Do cung cấp thiếu, cơ thể hấp thu sắt kém hay bị mất nhiều (nhiễm giun sán, xuất huyết đường tiêu hóa, dị ứng, mất qua kinh nguyệt) hoặc nhu cầu của cơ thể quá cao trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và hồi phục sau khi mắc bệnh.
Chế độ ăn của trẻ em Việt Nam hay bị thiếu sắt, do đó, tỷ lệ trẻ thiếu máu thiếu sắt khá cao, nhất là ở những vùng kinh tế và điều kiện vệ sinh kém.
Sinh non và nhẹ cân cũng là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh. Trẻ 1-3 tuổi là lứa tuổi có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao, do nhu cầu dành cho tăng trưởng cao trong khi chế độ ăn không cung cấp đủ lượng sắt cần thiếu.
Bổ sung sắt từ thực phẩm
Bổ sung sắt từ thức ăn động vật: thịt nạc, gan có hàm lượng khá cao và dễ hấp thu. Lượng sắt từ thức ăn thực vật thường có hàm lượng thấp hơn và khả năng hấp thu kém. Vì vậy, trong khẩu phần ăn của trẻ nên có đạm động vật và phải cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm và chế biến đúng cách.
Những loại thực phẩm giàu sắt: gan lợn, gan gà, gan bò, các loại thịt màu đỏ (bò, lợn...), các loại rau có lá xanh đậm (dền, mồng tơi, rau muống...), các loại sữa bột, bột ăn dặm và ngũ cốc có bổ sung sắt....
Gan lợn, gan gà, gan bò, các loại thịt màu đỏ là những thực phẩm giàu sắt
Sắt trong sữa bò tươi chỉ được hấp thu khoảng 10%, do đó những trẻ dùng quá nhiều sữa bò tươi mà không ăn đủ thức ăn giàu sắt sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao.
Khi có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, ngoài việc bổ sung thức ăn giàu sắt, nên cho trẻ dùng thêm các loại thực phẩm chức năng bổ sung sắt. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh ăn uống tốt, rửa tay trước và sau khi vệ sinh, để tránh nhiễm giun sán và tẩy giun định kỳ tránh thiếu máu thiếu sắt do giun sán.
Bình luận của bạn