Ăn thô là chế độ ăn dinh dưỡng, nhưng chỉ nên là bữa ăn kết hợp
Liệu ăn thô có thể thay thế bữa ăn truyền thống?
Cải thiện sức khỏe não bộ với chế độ ăn uống MIND
Ngày Thuần chay thế giới: Sẽ thế nào nếu chuyển sang ăn thuần chay?
"Siêu thực phẩm" có giúp bạn giảm cân?
Ăn thô: chế độ ăn ngắn hạn
“Chế độ ăn thô đã xuất hiện từ thời nguyên thủy khi con người còn chưa biết đến lửa. Tuy nhiên, con người đã biết sử dụng lửa để chế biến thức ăn hàng nghìn năm nay, cơ thể đã tiến hóa sinh học để phù hợp với thức ăn đã qua chế biến”, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng Khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết. Thế nên, nếu bắt cơ thể làm quen lại với chế độ ăn thô, ăn chưa qua chế biến, có thể cơ thể sẽ phản ứng.
Cơ thể cần một chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm 45-65% carbohydrate, 20-35% lipid, 10-15% protein cùng với các vitamin và chất khoáng khác. Thế nhưng, chế độ ăn thô lại chỉ có thể sử dụng một số lượng thực phẩm hạn chế. Theo TS. Nguyễn Trọng Hưng, “số lượng thực phẩm có thể sử dụng trong chế độ ăn thô hiện nay là quá ít”, nếu áp dụng lâu dài cơ thể sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước nhiệt đới ẩm gió mùa, khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho sự thâm nhập của vi khuẩn vào thức ăn và rất khó để đảm bảo nguồn nguyên liệu bạn ăn vào sạch 100%. Chưa kể, trong quy tắc ăn thô cần tuân thủ ăn sống, không qua chế biến, tuy nhiên, ăn thịt sống, trứng sống hay một số thực phẩm sống khác lại có thể khiến người ăn bị nhiễm khuẩn salmonella, vi khuẩn này gây ra các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng (IJERPH) đã cảnh báo về điều này.
Trong chế độ ăn thô, trái cây là thực phẩm khá được yêu thích và thường sẽ được lựa chọn là thực phẩm chính cho bữa ăn. Nhưng lượng đường trong trái cây cũng có thể khiến bạn tăng cân, khi bạn ăn quá nhiều các loại trái cây chứa nhiều đường glucose ví dụ các loại hoa quả ngọt như sầu riêng, mít, chuối… Nếu sử dụng nhiều, trong thời gian dài sẽ khiến người ăn bị tăng quá mức lượng đường hấp thu và gây béo phì.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), có khoảng 1/3 số người trưởng thành (33,8%) và khoảng 17% trẻ em ở độ tuổi từ 2-19 bị mắc bệnh béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh. Ngay cả những người khỏe mạnh, nếu áp dụng chế độ ăn uống kém khoa học trong một thời gian dài sẽ gặp phải các rủi ro lớn về sức khỏe và thậm chí là tử vong. Những rủi ro này bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, loãng xương, đái tháo đường loại 2 và một số bệnh ung thư. Đặc biệt, các yếu tố nguy cơ của những căn bệnh mạn tính ở người trưởng thành, như bệnh lý tăng huyết áp hay đái tháo đường ngày càng xuất hiện nhiều ở lớp trẻ bởi chế độ ăn thiếu khoa học.
Những điều cần chú ý khi áp dụng phương pháp ăn thô
Trong thời kỳ công nghệ hóa, việc cập nhật thông tin trên các nền tảng mảng xã hội vô cùng dễ dàng, nhất là vấn đề liên quan tới sức khỏe, người tiêu dùng cần tỉnh táo để xác định tính đúng đắn của những thông tin trên mạng xã hội. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng khuyên rằng, trước khi áp dụng bất cứ chế độ ăn nào, mọi người nên tìm hiểu, xác định nguồn gốc của chế độ ăn này, tính khoa học của chế độ ăn này như thế nào và nên chú ý cả đến những thông tin phản biện.
Ngoài ra, trước khi áp dụng một chế độ ăn, một người nên kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân, để hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân có phù hợp với chế độ ăn họ đang muốn lựa chọn không. Ngay cả việc muốn giảm cân cũng vậy, có sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn tăng hay giảm cân an toàn, không nên chỉ nghe và suy xét từ các nhận định trên mạng xã hội.
Đồng thời, khi bạn muốn áp dụng bất kỳ phương pháp ăn mới nào, hãy xác định vì sao cần áp dụng chế độ đó? Bạn cũng cần hiểu, tình trạng sức khỏe bản thân như thế nào, cơ thể có đang gặp nguy cơ gì không và tư vấn của bác sỹ dinh dưỡng ra sao để hỗ trợ việc chọn thức ăn sao cho hợp lý.
Thức ăn chúng ta hấp thụ vào cơ thể, chính vì vậy càng cần để tâm nhiều hơn, không chỉ về nguồn gốc, xuất xứ, mà còn phương pháp chế biến sao cho thực phẩm đảm bảo lượng dinh dưỡng. Đặc biệt là “chúng ta chỉ cần chế biến lượng thực phẩm vừa đủ, không nên nấu đi nấu lại thức ăn quá nhiều lần. Hãy lựa chọn thực phẩm theo mùa để thực phẩm tươi ngon và an toàn nhất”.
Các chuyên gia, bác sỹ không khuyến khích, cổ xúy cho bất kỳ một chế độ ăn. “Không có thực phẩm nào tốt hoàn toàn, không có chế độ ăn nào thật sự hoàn hảo, phải biết cân bằng, điều độ, thì cơ thể mới có thể khỏe mạnh. Khỏe rồi mới nghĩ tới chuyện khác được”. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo. "Hãy là người sử dụng thực phẩm thông thái."
Bình luận của bạn