Ngồi yên + nhắm mắt+ không nghĩ gì = thiền?
Chị Trần Thu Minh (37 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) sau một tháng tham gia nhóm ngồi thiền tự phát gần nhà, mỗi khi tập xong, chị lại thấy căng tức ở ngực và hoa mắt.
Theo lời giới thiệu của chị Minh, chúng tôi tìm đến nhóm thiền trên đường Tô Ký, nơi chị từng học. Nhóm có khoảng 10 người. Bà Tr.P.N. (53 tuổi), người “sáng lập” ra nhóm ngồi thiền này cho biết, ngày xưa bà từng theo học lớp ngồi thiền tại chùa Giác Lâm, Q.Tân Bình. Sau khi chuyển nhà về Q.12, không còn điều kiện học cùng nhóm, bà tự lập nhómngồi thiền.
Khi xin tham gia lớp học, chúng tôi được bà N. hướng dẫn cách thực hiện khá đơn giản, chỉ cần ngồi yên, nhắm mắt lại, cố gắng tĩnh tâm. Dù ngồi suốt hai giờ (từ 5g - 7g sáng), nhưng chúng tôi không thể giữ tâm được tĩnh lặng bởi tiếng xe cộ từ ngoài đường vọng vào ầm ầm.
Cách ngồi thiền của một nhóm tự phát khác trên đường Trần Văn Đang (Q.3) cũng khá lạ. Nhóm có đủ già, trẻ, lớn, bé. Do không có diện tích rộng rãi như ngoại ô, nhóm tự đóng cửa rồi ngồi tập trong nhà giữa tiếng nhạc phát ra từ những nhà xung quanh!
Tại một số ngôi chùa hoặc trong công viên trên địa bàn TP.HCM, có nhiều nhóm ngồi thiền tự phát. Khi được hỏi, có sợ tác động xấu nào không, họ chỉ cười và nói: “Chỉ cần ngồi xuống nhắm mắt lại chứ có gì đâu mà ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Phải có người hướng dẫn
Huấn luyện viên (HLV) Mai Văn Như - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ứng dụng tiềm năng con người TP.HCM cho biết, có nhiều học viên tại CLB đã từng gặp trường hợp như chị Minh do ngồi thiền không đúng cách. Thiền là một phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Tùy theo mục đích, trường phái mà có những loại thiền: thiền trong Phật giáo, thiền Ấn Độ (yoga), thiền trong khí công, thiền trong nhân điện. Nhìn chung, mọi loại thiền đều có khả năng làm an diệu tâm, đem lại cuộc sống hài hòa, giảm căng thẳng… Tuy có chung một mục tiêu, nhưng phương thức và kỹ thuật dụng công khác nhau. Để tập thiền đúng, phải có HLVhướng dẫn.
Theo HLV Mai Văn Như, có nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng mục đích vẫn là giúp người tập luyện có thể tập trung chú ý vào một điểm nào đó ở trong hoặc ở ngoài cơ thể. Có thể tập trung vào một đề tài, một hình ảnh, một câu chú, theo dõi hơi thở, đếm nhẩm số. Hoặc là cảm nhận, biết rõ, quan sát đối tượng, lần chuỗi, niệm kinh… nhằm tiến dần vào trạng thái yên lặng cho đến khi tâm không còn bất cứ ý niệm nào.
Phải có thời gian biểu rõ ràng, kiên trì nhưng thoải mái tuân thủ, không phải chỉ ngồi khi cảm thấy thích.
Thiền chỉ sử dụng năng lượng chứ không dùng sức, cần sự từ tốn và kiên trì. Ngồi lâu hay ít tùy theo sức cơ thể. Những người mới tập chỉ nên ngồi từ 20-30 phút, nếu cố gắng ngồi lâu hơn cũng khó mang lại kết quả tốt.
Nếu người tập chưa có kiến thức cũng như không nắm vững phương pháp và kỹ thuật, có thể dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma”. Các triệu chứng thường là rối loạn về hơi thở, căng tức ở bụng và ngực, hoa mắt, chóng mặt do khí lực di chuyển thái quá đến các bộ phận trong cơ thể. Nặng hơn, người luyện sẽ cảm thấy đau đớn, nóng rực toàn thân, hôn mê, dần dần mất hẳn sự tự chủ.
Bình luận của bạn