Tuổi già, trí não mãi Xuân

người cao tuổi, theo quá trình lão hóa của tuổi tác, những thay đổi ở hệ tim mạch ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Trong đó, xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây thiếu máu não ở người cao tuổi. 80% các trường hợp bị thiếu máu não là do sự lão hóa mạch máu và xơ vữa động mạch, làm cho các mạch máu dày, cứng dần lên, lòng mạch hẹp lại và làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn lên não.


Thiểu năng tuần hoàn não đang dần "trẻ hóa"

Bác Văn Ch. (Thanh Xuân, Hà Nội) hay bị đau đầu, chóng mặt và thỉnh thoảng còn bị ngất. Bác Ch. đã đi khám ở nhiều bệnh viện, có bác sỹ chẩn đoán bác bị rối loạn tiền đình, nhưng cũng có bác sỹ nói là bị thiếu máu não. Nhưng qua các xét nghiệm máu thì kết quả chẩn đoán là bị thiếu máu não. Bác rất lo lắng không biết căn bệnh này có nguy hiểm và biến chứng gì không.

Khi bị thiếu máu não, người bệnh có thể bị rối loạn cảm xúc, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, mất ngủ, suy giảm trí nhớ... gây cho người bệnh nhiều khó khăn trong công việc và sinh hoạt. Tình trạng thiếu máu não xảy ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới tai biến mạch máu não, để lại những di chứng nặng nề.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, Trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện 103, thiểu năng tuần hoàn não là một trạng thái bệnh lý, có rất nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau nhưng cùng chung một cơ chế sinh bệnh là thiếu máu lên não.

Não bộ của người chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng tiêu thụ ôxy và máu chiếm khoảng 20% tổng lượng cơ thể, trung bình tuần hoàn máu não khoảng 55ml trên 100 gam chất não trong một phút.

Máu lên não được cung cấp bởi 2 cặp động mạch: Động mạch đốt sống thân nền và động mạch cảnh trong. 2 cặp động mạch hợp nhau thành đa giác ở đáy não, sau đó, chia ra các động mạch não trước, não giữa, não sau để cung cấp máu cho tổ chức não. Vì vậy, khái niệm bệnh thiếu máu não rất đa dạng.

Nếu người bệnh bị đột quỵ não, sẽ gặp 2 loại: Chảy máu não và thiếu não cục bộ (còn gọi là nhồi máu não hoặc nhũn não). Còn nếu lượng máu cung cấp cho não từ 30 đến 50 ml thì gọi là thiểu năng tuần hoàn não, chưa gây nên tổn thương thần kinh khu trú. Nguồn cung cấp máu giảm đi do mạch máu bị vữa xơ hoặc một số bệnh lý đốt sống cổ gây nên chèn ép động mạch đốt sống thân nền làm giảm dòng máu nuôi não.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh lý thiếu máu lên não đó là: Vữa xơ động mạch và thoái hoá đốt sống cổ. Các nguyên nhân này sẽ khiến hẹp lòng mạch máu nuôi não và đè ép vào mạch máu nuôi não làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng não, giảm khả năng cung cấp ôxy cho não... gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh lý này là nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, tê bì, nhức mỏi chân tay, mệt mỏi. Ngoài ra, có nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật như tim đập nhanh, rối loạn huyết động, cơn bốc hỏa, chậm chạp, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút dần...

“Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nhũn não, xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc chết đột ngột (đột tử). Đối tượng thường mắc căn bệnh này là những người trung niên, người cao tuổi và người lao động trí óc với cường độ cao. Hiện nay, thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa đặc biệt đối với những bạn trẻ phải học tập căng thẳng, gặp nhiều stress trong cuộc sống”, PGS.TS Nguyễn Minh Hiện cho biết.


Phòng bệnh: Cần thiết và dễ dàng

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, bệnh lý thiếu máu lên não là căn bệnh không di truyền, vì thế, việc chủ động phòng bệnh là hoàn toàn có thể và hết sức cần thiết. Đối với người cao tuổi, trong chế độ ăn uống cần hạn chế ăn những loại thực phẩm nhiều mỡ, cần tăng cường trong khẩu phần ăn nhiều rau xanh, nhất là những loại rau nhiều màu sắc. Ngoài ra, cần phải thường xuyên đi khám định kỳ để tránh xảy ra tai biến do bệnh thiếu máu lên não gây ra.

Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y Bệnh viện 108 nhận xét: “Hiện rất khó để khẳng định có thể điều trị khỏi hẳn bệnh thiếu máu lên não bằng Đông y hay Tây y nhưng theo quan điểm của tôi là phải kết hợp cả Đông y và Tây y trong quá trình điều trị để đem lại hiệu quả tốt nhất”.

Trong dinh dưỡng học cổ truyền có rất nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng cải thiện tuần hoàn não. “Về nguyên tắc, bạn nên ăn uống đủ chất cân bằng, trọng dụng các rau quả tươi, trong đó, nên dùng nhiều các thức ăn như não động vật, tủy sống, bạch quả, hoàng kỳ, nhân sâm, kỳ tử và các gia vị như nhục quế, đại hồi, gừng tươi... Nếu bạn bị huyết áp thấp - một trong những nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não, thì mỗi sáng thức dậy, bạn nên uống một cốc trà gừng pha với đường hoặc mật ong hoặc một cốc trà có hãm 3 lát nhân sâm”, Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn chia sẻ thêm.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già