Ung thư không phải là “vô phương cứu chữa”

GS.TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam (Ảnh: Trần Lưu H+)

Lý do gây ngạc nhiên khiến hầu hết mọi người bị ung thư

Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số người chết vì ung thư

Thực hư bao cao su gây ung thư

Uống aspirin hàng ngày: Mắc ung thư đại tràng, tim mạch như chơi!

Health+ đã có buổi phỏng vấn GS.TS Nguyễn Bá Đức - Nguyên GĐ Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam để giải đáp các thắc mắc về căn bệnh nguy hiểm này.

Là chuyên gia đầu ngành về ung bướu, xin giáo sư cho biết, vì sao căn bệnh này lại trở thành mối họa của con người? Đâu là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ung thư? 

Trước tiên phải nói rằng, hiện nay ung thư đang là vấn đề nghiêm trọng đe dọa sức khỏe của loài người nói chung trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới có những câu nhận định rằng ung thư đang là vấn đề đe dọa sức khỏe cộng đồng. Và thế kỷ XXI, đại dịch ung thư sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Dùng từ “đại dịch” tôi cho là mang ý nghĩa hình tượng. Ung thư không phải là bệnh lây nhưng sự xuất hiện quá nhiều, tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong do ung thư cũng ngày càng cao, trong đó có các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là vấn đề phát triển rất nhanh.

"Ở Việt Nam, đi đôi với sự phát triển công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng do khói nhà máy, lò gạch, nguồn nước ô nhiễm, nước không được xử lý, những con sông bị “bức tử”; Những khu công nghiệp người ta vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua những khâu an toàn như xử lý khói, xử lý rác thải trước khi thải ra môi trường; Các sản phẩm ô nhiễm, các chất thải công nghiệp không được xử lý... Rồi gần đây rộ lên vấn đề an toàn thực phẩm. Người dân mọi vùng miền đều rất lo lắng về vấn đề tồn dư các chất độc hại trong thực phẩm. Thậm chí, người dân hiện nay vẫn nói với nhau rằng không biết nên ăn cái gì cho an toàn" - GS.TS Nguyễn Bá Đức khẳng định.

Vậy thì, tại sao ở nước ta, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư ngày càng tăng? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định: 80% tác nhân gây ung thư là từ bên ngoài xâm nhập, tác động vào con người, làm cho các tế bào của con người biến đổi và trở thành bệnh ung thư. Còn tự thân con người phát sinh qua quá trình sống, quá trình phát triển, đột biến gene, những bệnh di truyền thì chỉ dưới 20%.

Do đó, tỷ lệ ung thư ngày càng tăng do tác động ngày càng nhiều và mạnh mẽ của môi trường.

Bên cạnh đó, khi tuổi thọ ngày một tăng, bệnh lý ung thư cũng tăng cao do ung thư phần lớn là bệnh tuổi già. Khi cơ thể càng cao tuổi, các đột biến, cách bệnh mạn tính càng dễ xuất hiện.

Nói tóm lại, nếu không có những biện pháp phòng chống quyết liệt, ung thư sẽ trở thành vấn nạn của xã hội trong thời gian tới.

Thưa giáo sư, những căn bệnh ung thư nào thường gặp nhất tại Việt Nam hiện nay là gì? 

Các nhà nghiên cứu ung thư học của Việt Nam, hội ung thư ở các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về ung thư đã có nhiều nghiên cứu về thống kê dịch tễ học về tỷ lệ mắc các bệnh ung thư.

Theo đó, 10 bệnh ung thư hay gặp nhất ở nam giới và nữ giới:

Ở nam giới là ung thư phổi (liên quan đến nạn hút thuốc lá ở nước ta còn cao); Các bệnh ung thư về đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng; Các bệnh ung thư của hệ thống tạo huyết như ung thư máu, ung thư tuyến tiền liệt cũng có xu hướng gia tăng.

Thực phẩm không đảm bảo an toàn là một trong những "thủ phạm" gây nên bệnh ung thư

Ở nữ, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư buồng trứng đang có xu hướng gia tăng nhanh. Những bệnh ung thư này phần lớn liên quan đến lối sống, tập quán và tác nhân gây ung thư như virus.

Lối sống, ví dụ như hút thuốc nhiều, uống rượu nhiều sẽ gây ung thư phổi, ung thư gan... Ngoài ra, vấn đề trước đây quan hệ tình dục không an toàn cũng có thể làm tăng lây nhiễm ung thư cổ tử cung do virus HPV...

Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi, ung thư thực quản

Về tập quán ăn uống không vệ sinh, không đảm bảo thì liên quan đến ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng...

Về tác nhân virus như viêm gan B, C liên quan đến ung thư gan hoặc ung thư cổ tử cung.

Vậy thì dấu hiệu cảnh báo của những căn bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam là gì, thưa giáo sư? 

Phần lớn các bệnh ung thư đều có thể phát hiện sớm được nếu chúng ta có ý thức và có biện pháp.

Phát hiện sớm tùy từng mức độ, từ thấp đến cao. Thấp tức là chúng ta phải quan tâm đến nó đã, rồi khi có những dấu hiệu mơ hồ, ít nhiều liên quan đến bệnh, chúng ta phải đi khám bệnh. Cao hơn là chúng ta phải đến các cơ sở y tế để thầy thuốc khám, sử dụng các biện pháp xét nghiệm, để sàng lọc để chẩn đoán đầy đủ, chính xác.

Bạn phải biết lắng nghe cơ thể mình. Ung thư có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, mọi bộ phận trong cơ thể và thường “mượn” dấu hiệu chung của các bệnh khác. Chẳng hạn như ung thư phổi, dấu hiệu đầu tiên là ho. Bình thường ai cũng có thể ho, bạn cũng ho, tôi cũng ho. Ho do cảm lạnh, cùng lắm trong khoảng 1 tuần. Những nếu ho dai dẳng hết tuần này đến tuần khác thì đó có thể là dấu hiệu ung thư. Song dấu hiệu này không đặc trưng riêng ung thư mà bệnh nào cũng có.

Hoặc dấu hiệu nuốt nghẹn, bình thường chúng ta giận bạn cũng nuốt nghẹn, ăn vội cũng nghẹn... nhưng như ung thư thực quản chẳng hạn, mức độ nghẹn cũng dai dẳng kéo dài.

Hoặc chúng ta thấy nổi một khối u, hạch nào đó ở các bộ phận trong cơ thể, đó là dấu hiệu viêm, sang chấn bình thường, chấn thương cũng có thể nổi hạch, nhưng hạch ung thư không đau, to dần và không mất đi.

Một nốt ruồi tự nhiên to nhanh cũng là biểu hiện của căn bệnh ung thư.

Ra máu bất thường khi tiểu tiện, đại tiện, sốt dai dẳng có thể là dấu hiệu ung thư hệ tạo huyết.

Quan hệ vợ chồng thấy xuất hiện máu bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.

Hoặc gầy sút nhanh. Trong vòng 6 tháng chúng ta mất khoảng 10% trọng lượng cơ thể. Từ 50kg còn 45kg, 60kg còn 53, 54kg... thì phải nghĩ rằng đó là những dấu hiệu bất thường và phải đi khám bệnh. Tóm lại, đó là những dấu hiệu báo động nhưng không đặc trưng, chúng ta phải biết để đi khám xem có bị ung thư hay không.

Và, để phát hiện sớm, ở những người có yếu tố nguy cơ cao càng phải quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, chẳng hạn những người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị ung thư phổi, ai đã từng bị viêm gan B, viêm gan C có nguy cơ ung thư gan cao hơn người khác, ai từng bị hội chứng viêm loét dạ dày có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày, người béo phì thì có nguy cơ bị ung thư vú, ung thư đại trực tràng và tuyết tiền liệt cao hơn những người khác. Hoặc những người có yếu tố nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều với nhựa đường, than đá có benzopyren, tiếp xúc với khói amiang thì nên phải đi khám định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm.


Các biện pháp điều trị bệnh ung thư hiện nay là gì, thưa giáo sư? 

Hiện nay, thế giới đã nghiên cứu rất nhiều về ung thư, nhưng nhiều người quan niệm ung thư không thể chữa được, điều đó hoàn toàn là không đúng. Hoặc có những người tin rằng có một loại thuốc có thể điều trị được tất cả các bệnh ung thư thì cũng không đúng. Người ta phải dựa vào giai đoạn ung thư, loại bệnh ung thư là gì. Mỗi loại ung thư lại có phác đồ điều trị khác nhau chứ không thể dùng một phương pháp cho tất cả các loại bệnh ung thư.

Nhìn chung, có các cách điều trị ung thư như sau:

Ung thư ở giai đoạn rất sớm có thể phẫu thuật cắt bỏ nó đi, khả năng chữa khỏi rất cao. Đây là phương pháp chữa khỏi cho nhiều loại ung thư như ung thư vùng đầu cổ, ung thư tuyến vú, ung thư đường tiêu hóa, ung thư giáp trạng...

Nếu bệnh lan rộng hơn cần những phương pháp rộng hơn như xạ trị (chiếu phóng xạ vào những vùng bị ung thư), hóa trị (nếu ung thư lan rộng, di căn thì phải dùng thuốc, hóa chất..). Người thầy thuốc phải biết kết hợp 3 “vũ khí” này hài hòa, cái nào trước, cái nào sau và tiên lượng ra sao.

Một vấn đề nữa là, không nên tin tưởng vào thông tin lá này, con này hay loại mật kia có thể chữa được bách bệnh ung thư. Nhiều khi vì quá tin tưởng, kỳ vọng vào những phương pháp này mà chúng ta bỏ qua việc tới khám tại bệnh viện, gây khó khăn cho các thầy thuốc trong quá trình điều trị.

Theo giáo sư, có nên áp dụng liệu pháp tâm lý trong việc điều trị bệnh ung thư hay không?

Ở góc độ nào đó, ở Việt Nam ta các cụ câu “chữa bệnh chữa toàn diện”. Người bệnh có vấn đề về thực tế thể chất, về tinh thần. Bệnh lý là một chuyện nhưng nhiều khi lo mất ăn mất ngủ thì rõ ràng người bệnh sẽ rơi vào trạng thái nặng nề, suy sụp nhanh hơn. Chữa bệnh nhưng bệnh nhân không tin tưởng vào thầy thuốc thì không phối hợp được đúng mức sẽ gây khó khăn trong việc chữa bệnh.

Đừng để bệnh nhân ung thư chìm trong tuyệt vọng!

Với những bệnh nhân ung thư, ngay từ bản thân người bệnh phải xác định bệnh của mình cũng như mọi người trong xã hội đều bị, nên chia sẻ với người thân, không nên âm thầm giấu bệnh. Nên chia sẻ để những người thân để cùng tìm cách chiến đấu với nó một cách tích cực. Không nên suy nghĩ rằng bị ung thư là “vô phương cứu chữa” mà phó mặc cho số phận.

Thứ hai là nên giúp bệnh nhân thấu hiểu được nguyên nhân, triệu chứng, quá trình điều trị bệnh. Thứ ba là phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Nên tạo điều kiện cho người bệnh được chia sẻ với người thân, không để họ cảm thấy cô lập, đơn độc. Nên tạo cho họ niềm tin, phải xác định ở giai đoạn nào cũng phải vui vẻ và chiến đấu. Cả thầy thuốc và cộng đồng đều cần giúp bệnh nhân ung thư trong cuộc chiến rất nặng nề này.

Cám ơn những chia sẻ của giáo sư!

Hoài Thương H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư