Lòng bàn chân ngả vàng nói lên điều gì về sức khoẻ của bạn?

Không nên chủ quan với những thay đổi về màu sắc da, đặc biệt là ở lòng bàn chân.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vàng lòng bàn chân và dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Do vết chai và nốt chai

TS.BS Chuyên khoa chỉnh hình bàn chân Nelya Lobkova tại New York, Mỹ chia sẻ: “Các vết chai và nốt chai là lớp da dày được hình thành ở những vùng bị ma sát hoặc chịu nhiều áp lực.”

Lớp chai sừng thường có màu vàng, khi chạm có cảm giác cứng hơn vùng da khác. Một số vị trí thường xuất hiện nốt chai như: gót chân, kẽ ngón chân, lòng bàn chân…

Tuy nhiên, những vết chai này có thể khiến bạn cảm thấy đau thậm chí chảy máu nếu không được chăm sóc kĩ càng. TS.BS Nelya Lobkova khuyên bạn nên sử dụng các loại kem giúp làm mềm da vào ban đêm để loại bỏ tế vào chết, tăng cường độ ẩm. Sau đó vào buổi sáng, hãy chà hết phần da thừa và rửa sạch.

2. Do thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi bạn không có đủ các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh để vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Tiêu biểu nhất vẫn là tình trạng thiếu máu do thiếu sắt từ đó dẫn tới vàng da.

Theo Mayo Clinic, một số triệu chứng khác của bệnh thiếu máu cần chú ý như: mệt mỏi, hụt hơi, da nhợt nhạt, nhịp tim không đều, đau đầu chóng mặt, đau ngực, chân tay lạnh…

3. Vàng da

Vàng da là tình trạng màu sắc da trên cơ thể bị ngả vàng, dấu hiệu rõ rệt là ở lòng bàn chân. Đây là một biểu hiện lâm sàng của bilirubin huyết thanh tăng cao.

Sự tích tụ bilirubin huyết thanh tăng cao dẫn đến sự đổi màu vàng của da, củng niêm mạc mắt. Bilirubin được hấp thu, chuyển hoá và vận chuyển bởi hệ thống gan mật, chính vì vậy, biểu hiện vàng da thường cảnh báo bệnh lý về gan, mật. Một số triệu chứng vàng da khác bao gồm:

- Da và niêm mạc mắt có màu vàng (có thể chuyển sang màu nâu khi tình trạng bệnh nghiêm trọng)

- Ngả vàng trong khoang miệng

4. Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud là một tình trạng bệnh lý khiến các mạch máu nhỏ ở các ngón tay và ngón chân co thắt lại khi gặp lạnh hoặc căng thẳng. Điều này dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các vùng này, gây ra những thay đổi về màu sắc da.

Các triệu chứng đi kèm vàng da do Raynaud có thể kể đến như ngón tay, ngón chân lạnh và cảm giác tê ngứa, đau nhói khi được làm ấm hoặc giảm căng thẳng.

Ảnh minh hoạ hội chứng Raynaud dẫn đến vàng da lòng bàn chân

Ảnh minh hoạ hội chứng Raynaud dẫn đến vàng da lòng bàn chân

Hội chứng này có thể xuất hiện theo hai hình thức:

- Hội chứng Raynaud thứ phát: Có nghĩa là hội chứng Raynaud xảy ra do một bệnh lý khác gây ra, như:

  • Bệnh tự miễn: Lupus, viêm khớp dạng thấp,...
  • Bệnh mạch máu: Xơ cứng động mạch, viêm mạch...
  • Một số bệnh khác: Bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp,...(Trong trường hợp này, việc điều trị hội chứng Raynaud sẽ tập trung vào việc điều trị bệnh nền)

- Hội chứng Raynaud nguyên phát: Có nghĩa là hội chứng Raynaud xuất hiện một cách độc lập, không liên quan đến bất kỳ bệnh nào khác. Nguyên nhân chính xác của loại này vẫn chưa được xác định rõ, nhưng người ta cho rằng có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc sự co thắt bất thường của mạch máu.

5. Sử dụng quá nhiều nghệ

Nghệ thường được sử dụng dưới dạng bôi lên da để chống viêm, mờ thâm. Thế nhưng, ăn quá nhiều nghệ cũng có thể dẫn đến vàng da. Để cải thiện tình trạng này, chỉ cần cải thiện lại chế độ ăn, sau một thời gian màu vàng của da sẽ mờ dần và tình trạng này sẽ được cải thiện đáng kể.

6. Bệnh Carotene máu

Bệnh carotene máu (carotenemia) là một tình trạng xảy ra khi lượng carotenoid – một sắc tố màu vàng-cam có trong nhiều loại trái cây và rau củ – tích tụ quá nhiều trong cơ thể, đặc biệt là ở da. Điều này dẫn đến da có màu vàng hơi cam, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và các vùng da có độ dày cao khác.

TS.BS Lobkova chia sẻ: “Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, hơn 30 miligram carotenoid mỗi ngày có thể gây ra carotenemia”.

Mặc dù carotenemia không nguy hiểm, nhưng có thể gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Để cân bằng lại sắc tố da, bạn chỉ cần hạn chế những loại rau củ có màu vàng hoặc cam.

7. Bệnh đái tháo đường

Mặc dù đái tháo đường không trực tiếp gây nên vàng da, nhưng bệnh này khiến bề mặt da bị khô, làm tăng số lượng các vết chai, nốt chai trên cơ thể đặc biệt ở lòng bàn chân. “Và như chúng ta đã biết, da chai sần thường có xu hướng chuyển sang màu vàng”, TS.BS Lobkova nói.

Nếu thấy những dấu hiệu bất thường ở lòng bàn chân kể trên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu có bệnh.

 

 

Hà Chi (Theo Well+Good)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu