Về Hà Tĩnh: om chè xanh, nghe chuyện tâm tình!

Chè xanh là thức uống hàng ngày gây thương nhớ của người Hà Tĩnh

Món ngon với..."gạo sạch, mật mía phơi sương"

Đặc sắc ẩm thực ở xứ sở hoa tam giác mạch

Bánh gio - món đặc sản cầu kỳ ngày Tết

Gợi ý món ngon cuối tuần: bún cá chấm

“Giờ mà có bát chè om thì thích nhỉ.” Những trận mưa lớn, kéo dài dai dẳng do hoàn lưu bão số 3 ở mảnh đất Hà thành khiến người con Hà Tĩnh xa quê như tôi chợt thèm, chợt nhớ quay quắt bát chè xanh mẹ om. Nhớ cái cảnh đặt bát trà ấm nóng thơm mùi khói dưới mũi, hít hà rồi nhấp một ngụm. Xen giữa vị chát của chè là vị ấm nồng của vài lát gừng được mẹ thả vào om cùng. Ấm ấp như vòng tay mẹ.

Lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh, tôi đã quen với những bát chè xanh quê mình từ khi còn bé xíu. Gần 5 năm xa quê, lên thành phố học tập rồi làm việc, tôi vẫn chưa quen được với cái vị chè xanh ở đây. Mỗi lần về quê, tôi đều cố gắng mang ra một chút chè xanh, om theo cách om chè của quê nhà, nhưng rồi, sao vẫn không nồng đượm bằng bát chè xanh mẹ om. Cũng phải, từ khâu chọn chè, om chè rồi hướng dẫn chúng tôi cách uống chè, mẹ đều đặt vào đó tình yêu thương.

Phải nói, làm chè om Hà Tĩnh không phải là loại chè nào cũng được. Chọn là chọn lá chè bánh tẻ, cánh lá dày màu ánh ngà, cành da trơn láng, không mốc. Mẹ tôi thường chọn chè đồi chứ hiếm khi chọn chè vườn. Lá chè vườn không đủ nắng, không đủ đất nên thường mỏng, nấu lên cũng không thơm không chát như chè đồi. Ở quê tôi, có mấy vùng chè ngon như vùng đồi Hương Sơn, Hương Khê, chợ Lù, chợ Thượng… Chọn chè, phải chọn chè vùng đấy, như mẹ tôi vẫn dặn.

Chè ngon nhất phải được trồng ở những vùng đồi

Chè ngon nhất phải được trồng ở những vùng đồi

Để om được một ấm chè xanh ngon chuẩn vị, cần để ý tới nhiều công đoạn. Nước để om chè phải là nước giếng. Không phải cái giếng nào cũng có thể cho nước om chè ngon mà phải là giếng nước mạch ở những vùng đất cao, xa ao hồ ruộng đồng. Nước ngọt, trong, không nhiễm phèn, không nhiễm mặn. Củi nấu cũng góp phần tạo nên chất lượng của ấm chè xanh. Củi nấu chè xanh phải đun bằng củi gỗ thì nước mới thơm, còn đun bằng củi tre, nứa thì nước không ngon. Đặc biệt nấu chè xanh mà đun bằng lá bạch đàn khô, nước sẽ có mùi hôi.

Khi nước trong nồi chuẩn bị sôi, người om chè phải rửa tay thật sạch, sau đó lấy mấy lá chè vò nát, xát đều lên tay, rồi rửa lại bằng nước lạnh để khử hết mùi lạ trên tay rồi mới được cầm vào lá chè để vò. Không nên vò chè quá sớm, vì để lâu, chè dễ bị ôi, nước cũng không còn ngon nữa.

Nước sôi, cho chè vào ấm, rót một lớp nước để “súc” chè hay như người miền Bắc gọi là “làm lông” chè, tráng trà. Công đoạn này thực ra là làm nóng ấm, nóng lá, khử mùi hôi của chè. Chắt hết nước này đi mới bắt đầu rót nước vào om.

Om chè trong ấm khoảng 15 – 20 phút là uống được. Nếu uống sớm quá chè còn “sống”, hôi lá, không thơm, không đủ độ chát. Nước chè xanh đạt tiêu chuẩn phải vàng sánh, có hương thơm. Uống ngụm chè cảm nhận được hương nồng, vị chát ban đầu nhưng có hậu vị ngọt, đọng mãi trong cổ họng. Người Hà Tĩnh hay gọi đây là thứ “nước mới”.

Nước chè trong ngày dù uống không hết cũng đành bỏ đi. Bởi sang hôm sau nước rất dễ bị thiu,  mà nấu lại thì chỉ nhận lại là thứ nước đỏ quạch, không còn thơm, ngon. Người Hà Tĩnh rất “kỵ” với loại nước chè nấu lại (chè dạo) này cũng vì thế.

Ấm chè xanh đã trở nên quen thuộc với mỗi người con Hà Tĩnh

Ấm chè xanh đã trở nên quen thuộc với mỗi người con Hà Tĩnh

Không chỉ là thức uống hàng ngày, ấm nước chè xanh còn là thức uống người Hà Tĩnh dâng lên ban thờ Tổ tiên, là thức uống quen thuộc mời nhau trong các dịp đặc biệt như lễ, tết… và đó cũng chính là thứ để gắn kết tình nghĩa xóm làng. Chẳng câu nệ, không phải trịnh trọng đi từng nhà, gõ cửa từng nơi, mà chủ nhà chỉ đứng ngay trước cổng nhà mình: “Ai nước chè đơi…”. Thế là hàng xóm lại tụ họp cùng nhau. Người ta thường ngồi nhâm nhi từng bát nước trên chõng tre hay trên chiếc chiếu cói trải ra trên nền đất, chuyền tay nhau từng chén nước nóng hổi, thơm dịu, mọi người trao đổi với nhau chuyện mùa màng, thóc giống, giỗ chạp hay chuyện thi cử của con cháu… Hơn cả nhu cầu giải khát, bát nước chè xanh lúc này đã gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Ấm nước chè xanh còn theo người dân ra đồng, vừa giúp giải nhiệt vừa giảm mệt mỏi. Ở quê tôi, ai cũng biết một "bài thuốc từ chè" rất hay là nếu cho vài giọt mật mía vào bát nước chè nóng thì sẽ rất hữa hiệu cho bệnh đau lưng, mỏi gối, nhức đầu. Nếu muốn ấm bụng, có thể đập dập vài lát gừng cay cho vào om cùng chè. Nước chè xanh rất tốt cho hệ tim mạch, có tác dụng phòng ngừa ung thư, làm chậm quá trình lão hóa, làm dẹp da, tốt cho sức khỏe răng miệng… Thế nên, chén chè xanh đâu chỉ là thức uống đơn thuần, chẳng phải là bài thuốc quý đấy sao?

Biết bao câu chuyện tâm tình bên ấm nước chè xanh

Biết bao câu chuyện tâm tình bên ấm nước chè xanh

Những ai sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất gió Lào nắng cháy này đều không đành lòng quên đi vị đắng chát chè xanh đã thấm sâu vào huyết mạch. Để khi xa nhà, ngồi nhớ, lại nhớ lại thương chén chè xanh nghĩa tình! 

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa