Vệ tinh trở thành công cụ giám sát dịch bệnh hữu hiệu

Vệ tinh trở thành công cụ hữu hiệu trong việc giám sát sức khỏe

Biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt "bao trùm" năm 2024

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh như thế nào?

Giới trẻ và nỗi lo biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng thế nào tới làn da?

Dữ liệu quan sát Trái Đất (EO) từ vệ tinh không chỉ giúp theo dõi chất lượng không khí, nguồn nước mà còn hỗ trợ dự báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cung cấp cơ sở khoa học để các chuyên gia y tế và chính phủ triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả.

Dữ liệu vệ tinh trong giám sát dịch bệnh

Trước thực trạng bệnh truyền nhiễm ngày càng phức tạp, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã triển khai dự án EO4Health Resilience, dự kiến ra mắt vào mùa Hè 2025. Nền tảng kỹ thuật số này sẽ tích hợp thông tin về nhiều loại dịch bệnh, giúp cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu EO cho các chuyên gia y tế, từ đó hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng trong lĩnh vực y tế công cộng.

Mối quan hệ giữa sức khỏe con người, môi trường và động vật ngày càng trở nên rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao, nạn phá rừng, cháy rừng và đô thị hóa không kiểm soát có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát. Những đợt bùng phát như SARS hay cúm gia cầm H5N1 đều có liên quan mật thiết đến những yếu tố này. Để ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triển khai phương pháp One Health nhằm kết nối các lĩnh vực y tế, thú y và môi trường để ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa sức khỏe.

Mô hình One Health thể hiện mối quan hệ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường

Mô hình One Health thể hiện mối quan hệ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường

Ba nhóm bệnh được giám sát bằng vệ tinh

Dữ liệu từ vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, phân tích và dự báo sự lây lan của dịch bệnh. Hiện nay, các nhà khoa học đang tập trung ứng dụng EO trong ba nhóm bệnh chính: bệnh lây truyền qua nước, bệnh do côn trùng truyền nhiễm và bệnh mạn tính không lây.

1. Bệnh lây truyền qua nước

Biến đổi khí hậu và tình trạng di cư đang khiến các bệnh lây qua nước lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu. Vi khuẩn Vibrio cholerae - tác nhân gây bệnh tả, có thể sinh sôi mạnh trong môi trường nước tù đọng. Theo nghiên cứu của ESA, mức độ xuất hiện của vi khuẩn này có thể được ước tính thông qua nồng độ diệp lục trên bề mặt nước – một chỉ số có thể quan sát bằng vệ tinh. Nhờ đó, các bản đồ rủi ro có thể được xây dựng để dự báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Không chỉ bệnh tả, các vi khuẩn như Leptospira, nguyên nhân gây bệnh xoắn khuẩn cũng có thể lây lan sang con người qua nước lũ bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, vi khuẩn E. coli, một trong những tác nhân gây tiêu chảy và bệnh đường ruột cũng thường xuất hiện trong nước thải sinh hoạt. Sử dụng EO để giám sát chất lượng nước trên diện rộng sẽ giúp cảnh báo sớm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt ở các khu vực có hệ thống vệ sinh kém phát triển.

Một nghiên cứu dự báo, số ca nhiễm Vibrio không gây dịch tả tại Mỹ có thể tăng 50% vào năm 2090 do nhiệt độ nước biển ngày càng tăng. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của vệ tinh trong việc theo dõi biến đổi môi trường, từ đó hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Hiện tượng tảo nở hoa có hại có thể phát hiện từ không gian

Hiện tượng "tảo nở hoa" có hại có thể phát hiện từ không gian

2. Bệnh do côn trùng truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra như sốt rét, sốt xuất huyết và sốt Tây sông Nile (West Nile fever) tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực nhiệt đới. Sự gia tăng nhiệt độ, độ ẩm và thay đổi thảm thực vật do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và mật độ phân bố của muỗi – trung gian truyền bệnh chính.

Tại Ý, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu EO để phân tích các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và mật độ cây xanh, qua đó xây dựng mô hình dự báo sự lây lan của virus West Nile. Kết quả cho thấy, vệ tinh có thể giúp nhận diện các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, từ đó hỗ trợ chính quyền địa phương chủ động triển khai biện pháp kiểm soát.

Dự án “Bản đồ sốt rét toàn cầu” cũng đang ứng dụng công nghệ EO để xác định các điểm sinh sản của muỗi và theo dõi sự thay đổi môi trường sống của chúng. Bằng cách khoanh vùng chính xác các khu vực có nguy cơ cao, cơ quan y tế có thể triển khai chiến dịch phun thuốc diệt muỗi hoặc phân phối màn chống muỗi hiệu quả hơn.

3. Bệnh mạn tính không lây

Không chỉ bệnh truyền nhiễm, vệ tinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, hô hấp và các bệnh mạn tính khác.

Tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ cao có thể làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các dự án EO của ESA đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để lập bản đồ nhiệt độ bề mặt, mức độ phát thải khí nhà kính và chất lượng không khí, giúp dự báo tác động của sóng nhiệt đến sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí do nồng độ PM2.5 và NO₂ cao có thể gây ra các bệnh về hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và thậm chí ung thư phổi. Nhờ EO, các nhà khoa học có thể theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực, xác định các điểm nóng ô nhiễm để cơ quan chức năng đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.

Tương lai của vệ tinh trong y tế

Ngoài giám sát bệnh tật, vệ tinh còn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ theo dõi ô nhiễm nhựa đại dương, một vấn đề đáng lo ngại khi vi nhựa đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Các hạt vi nhựa có thể chứa hóa chất gây rối loạn nội tiết, làm tăng nguy cơ ung thư và suy giảm miễn dịch. Việc ứng dụng EO để theo dõi sự phân bố của ô nhiễm nhựa giúp nhận diện các khu vực có nguy cơ cao, từ đó hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu tác động đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

 

One Health là cách tiếp cận liên ngành nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động vật và môi trường. Mô hình này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) thúc đẩy, nhấn mạnh sự hợp tác giữa các ngành để phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Sự gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, COVID-19 hay sốt xuất huyết có liên quan mật thiết đến biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và đô thị hóa. One Health giúp nhận diện sớm các mối đe dọa sức khỏe từ động vật và môi trường, từ đó triển khai giải pháp kịp thời, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng bền vững.

 
Đào Dung (Theo The Conversation)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường