Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt 1 tỷ USD

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá. - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030

"Số hóa ngành Dược: Giải pháp cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh"

Bài học kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành dược

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành sản xuất dược

Tại diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế "Đổi mới tiếp cận - Nâng tầm y tế Việt Nam" diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới.

Chiến lược này đề ra các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm tất lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, bảo đảm chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chiến lược quốc gia là phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao, hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Trong đó, giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng một tỷ USD.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP

Tại diễn đàn, TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược cho biết, trước đây tiền thuốc bình quân đầu người của nước ta chưa đến 5 USD, còn nay ngành dược cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước, tiền thuốc bình quân đầu người tăng lên 70 USD.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây duy trì ở mức thấp, dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm hơn 10%.

Tuy nhiên, TS. Tạ Mạnh Hùng cho rằng, ngành dược vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt. Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu. Tỉ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học thấp, chỉ khoảng 10%.

 

Về sản xuất, Việt Nam đã phát triển số lượng các doanh nghiệp dược, tuy nhiên thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao. Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic. Trên thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành, song số lượng dược chất được doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%. Vì thế, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh.

Bác sĩ Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng trong việc tạo ra một môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo với lực lượng lao động chất lượng cao. Dựa trên những tiềm lực sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để những tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, gồm cả việc thành lập cơ sở sản xuất thuốc để xuất khẩu sang quốc gia khác. Vì vậy, ngành dược cần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.

Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được...

Định hướng đến năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin