Wagashi – nét tinh tế của ẩm thực Nhật Bản

Thời xưa, người Nhật sử dụng trái cây và hạt như những chất tạo ngọt, thêm hương vị cho các loại ngũ cốc dinh dưỡng như gạo, kê và ngũ cốc, với mục đích dùng để tế thần. Và Wagashi đã ra đời từ ấy. Đây là loại bánh kẹo ngọt theo mùa cổ truyền Nhật Bản.

Chịu ảnh hưởng bởi kỹ năng làm bột từ Trung Hoa và phong cách Phật giáongười ta bắt đầu làm bánh Mochi, bánh Dango. Lại chịu sự tác động từ sự du nhập văn hóa phương tây ,việc giao thương với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang lại nhiều loại nguyên liệu mới cho món bánh Wagashi, mà trong đó phải kể đến sự xuất hiện của đường đã làm nên một sự thay đổi lớn trong công thức chế biến Wagashi.

Wagashi tuy xuất hiện ở Nhật từ rất sớm, vào thời Yayoi (300 TCN - 300) nhưng phải đến thời Edo (1603-1867), Wagashi mới đạt đến độ "chín" thực sự và chính thức trở thành một nét nghệ thuật đặc sắc trong đỉnh cao ẩm thực Nhật Bản.

Wagashi có hàng trăm loại khác nhau, mỗi loại có những thành phần riêng, nhưng nhìn chung tất cả các loại Wagashi đều chế biến từ các nguyên liệu chính có nguồn gốc thực vật và giàu chất xơ như các loại đậu ( azuki ), thạch katen- một loại thạch làm từ rong biển, Wasambon một loại đường có vị rất thanh chuyên dùng để làm wagashi , được lấy từ những cây mía ở Tokushima, và không thể thiếu bột nếp, bột gạo…rất quen thuộc đối với người dân Nhật.

Người Nhật dường như mang cả vẻ đẹp thiên nhiên cả bốn mùa vào chiếc bánh Wagashi nhỏ xinh ấy. Mỗi chiếc bánh là một tác phẩm nghệ thuật đầy tâm huyết của nghệ nhân. Wagashi phải được cảm nhận qua 5 giác quan thì mới có thể thấy được toàn vẹn sự đặc sắc của chúng. Tùy theo từng tháng, từng mùa khác nhau sẽ làm loại Wagashi đặc trưng riêng.

Vào mùa xuân, người Nhật làm Sakura mochi - loại Wagashi làm từ gạo nếp được gói bằng lá anh đào. Khi ăn sẽ cảm nhận được sự dẻo, dai của bột gạo, hương thơm của hoa anh đào, vị ngọt của nhân đậu đỏ. Những chiếc bánh xinh xắn màu hồng nhạt này thường góp mặt trong những bữa trà xuân.

Mizu yokan là loại Wagashi dành cho những ngày hè. Thành phần chính của nó gồm đậu đỏ nấu thành thạch và đổ vào trong một chiếc ống tre. Vì ướt nên Mizu Yokan dễ ăn hơn và được coi như loại thức ăn lý tưởng dành cho những ngày hè oi bức.

Mùa thu thì có Nama-gashi gồm một loại có hình dáng như trái hồng chín vàng, loại kia trông giống cây bạch quả.

Vào những ngày đông, người Nhật lại yêu thích Higashi - loại Wagashi khô trông giống như tuyết. Cách thức trang trí trên Higashi rất đậm chất điêu khắc, tạo cho higashi một vẻ đẹp độc đáo giữa muôn vàn loại wagashi khác.

Trà đạo, phong tục truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản sẽ kém hoàn hảo nếu thiếu Wagashi. Dư vị ngọt ngào mà thanh thoát của bánh sẽ làm tan đi vị chát nhưng vẫn không làm mất đi tinh chất thơm ngon của trà xanh, tạo nên một vị khó tả, nhẹ nhàng lâng lâng khó có thể kiếm được ở bất kỳ món nào.

Wagashi được xây dựng trên nền tảng những nguyên liệu gần gũi, quen thuộc trong đời sống. Từ những điều rất giản dị như vậy, món bánh ngọt này đã thăng hoa thành một nghệ thuật rất mực trang nhã. Tính chất này phần nào phản ánh nét đẹp trong đời sống tinh thần của xứ sở mặt trời mọc: cái đẹp được đề cao và khéo léo biến mọi khía cạnh của đời sống thường nhật - dù là vụn vặt nhỏ bé nhất trở nên đẹp và tinh tế hơn.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp